Đôi khi chính các thầy cô giáo cũng không nghĩ mình chính là "nhà lãnh đạo" của các em học sinh, trong cả kỳ vọng của xã hội lẫn trong mắt của chính các em.
Có một vai trò của giáo viên không được nói rõ mà cũng ít người nhắc tới, đó chính là vai trò lãnh đạo trẻ em.
Nếu ý thức được vai trò của "nhà lãnh đạo", giáo viên sẽ nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với niềm tin dành cho "nhà lãnh đạo" khi hành nghề.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên được xác định toàn diện hơn so với trước rất nhiều.
Giáo viên là "người dạy học và là nhà giáo dục", là "người cố vấn", là "người tham gia vào quá trình học tập", đồng thời cũng là "người học và người nghiên cứu". Tuy nhiên có một vai trò của giáo viên không được nói rõ mà cũng ít người nhắc tới, đó chính là vai trò lãnh đạo trẻ em.
Có nhiều hình mẫu người lãnh đạo khác nhau trong cuộc sống nhưng họ đều có những điểm chung.
Ngoài năng lực chuyên môn thường được thể hiện qua bằng cấp thì năng lực và phẩm chất của nhà lãnh đạo còn được thể hiện qua trí thông minh xã hội, trí thông minh cảm xúc, năng lực giải quyết xung đột, khả năng ra quyết định, quản lý sự thay đổi...
Những "bộ" kỹ năng và năng lực như thế này có vẻ như còn xa lạ trong các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, mặc dù môi trường học đường càng lúc càng trở nên phức tạp với sự tham gia nhiều hơn của các phương tiện truyền thông, cũng như các nhóm công chúng khác nhau.
Vậy làm lãnh đạo là làm gì?
Đó là việc đưa ra mục tiêu, tầm nhìn cho tập thể, tạo động lực cho mỗi cá nhân, cổ vũ, hỗ trợ, chỉ dẫn. Nếu giáo viên chỉ biết bắt lỗi, rầy la, trách phạt, họ không phải là nhà lãnh đạo tốt.
Đó là việc làm gương cho những người khác. Một giáo viên không đọc sách không thể mong khuyến khích học trò đọc sách.
Một giáo viên chán nản, mệt mỏi với nghề nghiệp của mình không mong gì truyền cảm hứng cho một học sinh sau này nỗ lực chọn một công việc yêu thích để theo đuổi đam mê và cống hiến. Một giáo viên ngôn phong không chuẩn mực không thể nào trách học sinh ngày nay hỗn hào, thô lỗ...
Khi nào thì nhà lãnh đạo thất bại?
Đó là khi nhà lãnh đạo không có niềm tin vào công việc mình đang làm, cũng như đánh mất niềm tin của những người còn lại. Bản chất của nghệ thuật lãnh đạo là dựa trên niềm tin của tập thể vào uy tín cá nhân của nhà lãnh đạo.
Giáo viên càng xây dựng được uy tín cá nhân và uy tín tập thể sư phạm thì càng có cơ hội tốt hơn để lãnh đạo thành công các em học sinh. Khi "thầy ra thầy" mới có thể mong có "trò ra trò", từ đó mới tạo thành "trường ra trường, lớp ra lớp".
Truyền thông đã nêu lên những bất cập trong lực lượng nhà giáo, ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của nhà giáo. Nhưng đó là những câu chuyện cá biệt, không thể phủ nhận những đóng góp thầm lặng của hàng triệu nhà giáo khác đang cần mẫn làm việc chăm sóc, dạy dỗ con em mỗi ngày.
Họ đang thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục toàn dân bằng những giờ dạy, những ngày lao động, những năm học với vô vàn trách nhiệm và áp lực.
Họ có thể không có cơ hội để thanh minh, giải thích trên truyền thông. Họ có thể không có cơ hội đòi hỏi thêm quyền lợi cho mình như được khám sức khỏe tinh thần hay tiền làm thêm giờ ở nhà. Họ có thể không có cơ hội được thấy những thành quả giáo dục của mình sau vài chục năm...
Nhưng nếu biết mình là nhà lãnh đạo của trẻ em, các thầy cô giáo sẽ chấp nhận sự cô đơn và hy sinh thầm lặng để đi tiếp mà không than vãn, oán trách vì di sản của người lãnh đạo chỉ có thời gian mới có thể trả lời đầy đủ.
Nếu biết mình là nhà lãnh đạo, các thầy cô giáo sẽ bao dung hơn với sai lầm, sẽ nhìn vào những gì học sinh có thể làm, đang nỗ lực làm thay vì những gì không hay chưa làm được.
Nếu biết mình là nhà lãnh đạo, các thầy cô giáo có thể vận dụng những hiểu biết của mình về khoa học giáo dục và tâm lý để thiết kế một môi trường giúp mọi học sinh đều hạnh phúc thay vì bắt "con cá phải leo cây".
Nếu biết mình là nhà lãnh đạo, khi sử dụng vũ lực để dạy dỗ học sinh, người thầy đã tự phản bội lại sứ mệnh của nghề nghiệp, đó chính là "bảo vệ trẻ em bằng mọi giá".
Và nếu biết mình là nhà lãnh đạo, thầy cô giáo sẽ luôn thấy mình chưa đủ giỏi, chưa đủ vị tha trước tất cả học trò của mình.
Nếu mỗi giáo viên ý thức được mình là một nhà lãnh đạo của trẻ em thì họ biết mình quan trọng với xã hội như thế nào. Ý thức nghề nghiệp đó, niềm kiêu hãnh đó còn cao hơn bất kỳ lời tán dương hay ngày lễ tri ân nào đến từ người khác.
------------
Ths Bùi Khánh Nguyên