Sức khỏe

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá: Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội

Tiêu dùng thuốc lá vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng

Khói thuốc chứa 7.000 chất hóa học 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong/năm trên thế giới và 100.000 ca tử vong/năm tại Việt Nam; Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, hút thuốc lá gây ung thư phổi cao gấp 10-20 lần so với người không hút thuốc; nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng 10-15 lần; nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch cao hơn 1,5-2 lần; nguy cơ tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần…

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới

Ngoài ra, hút thuốc còn gây ra các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, làm tăng nguy cơ vô sinh, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần, làm giảm cân nặng của trẻ sơ sinh… Tổn thất gây ra bởi chi phí y tế để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra và mất năng suất lao động do ốm đau, tử vong sớm là rất đáng kể, ước tính lên tới hơn 108.000 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương với 1,1% GDP.

Về tác hại của các nhóm sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, hiện có gần 20.000 nhóm sản phẩm theo hương vị khác nhau. Thành phần và khí tỏa thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống thuốc lá điếu. Hút thuốc lá mới gây nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường, như hô hấp, tim mạch, ung thư, tâm thần kinh, bệnh về răng miệng… Đáng lo ngại là nguy cơ trộn lẫn ma túy tổng hợp trong thuốc lá điện tử rất cao. Theo số liệu từ 700 bệnh viện, năm 2023 có tới hơn 1.200 ca cấp cứu vì thuốc lá điện tử.

Theo các chuyên gia, khói thuốc chứa 7.000 chất hóa học 69 chất gây ung thư

Theo các chuyên gia, khói thuốc chứa 7.000 chất hóa học 69 chất gây ung thư

Còn TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển cho rằng, mặc dù đã thực hiện một loạt các biện pháp phòng chống thuốc lá theo Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), nhưng tiêu dùng thuốc lá vẫn là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng ở Việt Nam. Với hơn 15 triệu người hút thuốc, hằng năm có đến hơn 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá.

TS. Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ lo ngại, sự phát triển kinh tế nhanh chóng những năm gần đây đã vô tình góp phần làm tăng khả năng tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam. Phân tích biến động của giá thuốc lá và mức tăng thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 1994 – 2017, TS Nguyễn Ngọc Anh cho biết, có sự thay đổi đáng kể trong khả năng chi trả cho thuốc lá của người Việt Nam. Vào năm 1994, để mua được 100 gói thuốc lá, người ta cần số tiền tương đương với 31% thu nhập GDP bình quân đầu người hằng năm. Nhưng đến năm 2017, con số này chỉ còn 5,2%. Một thống kê khác của WHO cũng cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2016, trong khi thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người tăng 4,7 lần, thì giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá phổ biến nhất của Việt Nam chỉ tăng 2,2 lần.

Đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – doanh nghiệp – xã hội

Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm gánh nặng bệnh tật, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá, với 2 phương án:

Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao.

Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam

Phân tích sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định, mô hình bệnh tật ở Việt Nam có 3 trụ cột: phòng chống các bệnh không lây nhiễm (chiếm trên 73%); phòng chống bệnh truyền nhiễm (chiếm hơn 14%) và tai nạn thương tích (chiếm trên 11%). Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng, tác động đến giới trẻ. Điều đáng nói những bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ sử dụng thuốc lá không biểu hiện ngay mà âm thầm ủ bệnh, khó nhận biết trong giai đoạn đầu, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, trong quá trình sửa đổi luật, cần đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội đối với các sắc thuế, trong đó có sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, trong đó làm rõ đâu là lợi ích của Nhà nước, đâu là lợi ích của xã hội, đâu là lợi ích của doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang phân tích, giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe, cần cân nhắc đặt trọng tâm vào lợi ích sức khỏe hay kinh tế? Nếu với tầm nhìn Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, chúng ta phải phát triển song song các lợi ích này. Nhưng dưới góc độ chính sách về an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm, thì sức khỏe người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Đánh giá cao điểm rất tiến bộ của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đó là đánh thuế tương đối đối với thuốc lá/giá của nhà sản xuất, hoặc nhập khẩu là 75%. Chúng ta còn có thêm thuế hỗn hợp với mức cao nhất là 10.000 đồng từ nay cho đến năm 2030. Có như vậy mới đạt được mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng chống thuốc lá về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%. “Như vậy, chúng ta đã có cái nhìn lợi ích kép, vừa bảo vệ sức khỏe người dân, cũng cố gắng tăng thu ngân sách nhà nước”, TS. Nguyễn Huy Quang nói.

TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh đến sự cần thiết sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, trong đó thuế là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép để giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật, tử vong và giúp tăng ngân sách nhà nước. Các biện pháp được khuyến nghị là: tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; áp dụng các biện pháp kiểm soát cung, kiểm soát cầu; thực thi chính sách pháp luật về nhãn quảng cáo khuyến mại, tài trợ; cơ chế kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật trong phòng, chống tác hại thuốc lá.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển phân tích, thuốc lá điếu sản xuất tại Việt Nam đang chịu ba loại thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá trị, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và thuế giá trị gia tăng.

“Cộng gộp cả ba loại thuế nêu trên ta có mức thuế là 84,7% tính theo giá xuất xưởng. Thoạt nhìn thì mức thuế này khá cao nhưng thực tế tính theo giá xuất xưởng chỉ tương đương với mức thuế 36,7% tính theo giá bán lẻ. Đây là mức thuế rất thấp, chưa bằng một nửa mức tối thiểu được WHO khuyến nghị là 75%2, đây cũng chính là lý do thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang có giá cả rất phải chăng, ngay cả đối với người nghèo”, TS Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Thuế đánh vào thuốc lá là một công cụ chính sách đặc biệt đem lại lợi ích kép, vừa làm giảm tiêu dùng thuốc lá, cải thiện sức khỏe của người dân, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá; đồng thời làm tăng nguồn thu ngân sách cho chính phủ. Lợi ích kép này đã được thừa nhận qua kinh nghiệm của một loạt quốc gia trên thế giới.

Dù tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá ở nhiều quốc gia trên thế giới, công cụ chính sách hiệu quả này hiện vẫn chưa được sử dụng đúng mức tại Việt Nam. Để giảm khả năng chi tiêu cho thuốc lá, Chính phủ cần tăng thuế mạnh mẽ hơn nữa, để sao cho ở mức tối thiểu giá thuốc lá tăng mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tăng mức thuế tuyệt đối và thuế suất tỷ lệ đủ để tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giói. Thuế cũng cần tăng đều liên tục qua các năm để giảm sức mua nhằm đạt mục tiêu kép giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng và tăng ngân sách từ thuế.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất