Tham dự buổi lễ có Chủ tịch VINARAHC Ngô Sách Thực, Trưởng ban tổ chức-kiểm tra Đào Vũ Thiết, các cán bộ văn phòng Hội cùng đại điện các đơn vị đến nhận quyết định. Trung tâm Hướng nghiệp nhân đạo và hỗ trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam thành lập năm 2016, có trụ sở tại số 6 A43, Khu đô thị Galeximco, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, do ông Đới Thế Long làm giám đốc; Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục âm ngữ trị liệu An Bình thành lập năm 2018, có trụ sở tại số 5/31 đường D1, khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, Tp. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, do bà Nguyễn Thị Thu Huyền làm giám đốc; Trung tâm Can thiệp sớm Phúc Hưng thành lập năm 2018, tiền thân là Trung tâm Tư vấn và giáo dục hòa nhập Phúc Hưng, có trụ sở tại thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, do bà Nguyễn Thị Thanh Hương làm giám đốc.
“Đây là bước khởi đầu rất quan trọng nhưng các trung tâm cần tập hợp các nhà chuyên môn giỏi để phát huy được hết chức năng, hoàn thành nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu là nơi chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các cháu tàn tật, giúp các cháu hòa nhập với xã hội. Không có con đường nào là bằng phẳng cả nhưng với kiến thức, tâm huyết và tinh thần học hỏi, không trông chờ vào hỗ trợ, chúc các trung tâm luôn phát triển mạnh mẽ, góp phần giúp các cháu khuyết tật hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội” - Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao tâm huyết, tinh thần vượt khó và công sức của lãnh đạo các trung tâm hỗ trợ trẻ em tàn tật.
“Khi trở thành thành viên của Hội, tôi hy vọng sẽ nhận được tư vấn, góp ý, chia sẻ của lãnh đạo Hội và các hội viên khác để chúng tôi có định hướng tốt hơn và ngày càng phát triển, từ đó hỗ trợ được ngày càng nhiều trẻ rối loạn phát triển có thêm cơ hội hòa nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình” – bà Nguyễn Thị Thu Huyền, giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục âm ngữ trị liệu An Bình, cho biết.
Chủ tịch Ngô Sách Thực chụp ảnh lưu niệm với đại diện các trung tâm tại lễ trao quyết định: bà Nguyễn Thị Thu Huyền (ngoài cùng bên trái), bà Nguyễn Thị Thanh Hương (thứ ba bên trái) và ông Đới Thế Long (thứ tư bên phải).
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Hướng nghiệp nhân đạo và hỗ trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam đã cưu mang, giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng hơn 200 người khuyết tật có nghề nghiệp và việc làm ổn định trong lĩnh vực may và thêu. Rất nhiều công ty may ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã tiếp nhận và tạo cơ hội làm việc cho các cháu. Phần lớn các cháu có thu nhập 4-5 triệu/tháng, cá biệt một số cháu đạt hơn 12 triệu/tháng. “Trung tâm sẽ tiếp tục là cầu nối tạo việc làm, là nơi mang lại cho trẻ khuyết tật những ‘chiếc cần câu’ để các bạn ấy ‘tự câu cá’, ổn định cuộc sống, vì những người khuyết tật rất mong muốn có được một công việc, một nghề để làm và tự nuôi sống bản thân” – giám đốc Đới Thế Long cho hay.
“Ngày 28/3/2024, Trung tâm đã vinh dự được Hội trao quyết định thành lập Trung tâm Tư vấn và giáo dục hòa nhập Phúc Hưng, nhưng trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý phát sinh một số vướng mắc, chúng tôi đã nhanh chóng được Hội tạo điều kiện thuận lợi để đổi tên thành Trung tâm Can thiệp sớm Phúc Hưng” - giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của VINARAHC.
Nguyên Khải