Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố bản Tư vấn chính sách với tiêu đề “Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam”. Trong đó, WHO đề xuất, tăng thuế thuốc lá đến năm 2030 vì Việt Nam vững mạnh hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất: Tăng thuế thuốc lá đến năm 2030 vì Việt Nam vững mạnh hơn. (Ảnh: WHO VietNam) |
Theo bản nghiên cứu tư vấn chính sách này, trong khoảng một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá.
Nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và y tế, WHO đề xuất Việt Nam tăng thuế thuốc lá với một lộ trình chuyển đổi bền vững từ nay đến năm 2030, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2023.
Theo đó, việc tăng thuế thuốc lá theo khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế sẽ giúp Việt Nam:
- Giảm số lượng người hút thuốc xuống còn 3,2 triệu người vào năm 2030
- Tăng thu ngân sách thêm 30.000 tỷ/năm vào năm 2030
- Cứu được hơn hơn 1,6 triệu người tử vong sớm do thuốc lá trong tương lai.
Việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá và những tác động xung quanh đó, hiện đang được quan tâm. (Ảnh minh họa) |
Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với thuốc lá điếu, kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối.
Mục tiêu là đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối đạt 10.000 đồng/bao thuốc lá, và tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá đạt 75%, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiến lược giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030.
Theo thống kê của WHO, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó 1 triệu người tử vong do hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 70.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất và tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn, chiếm 1,14% GDP mỗi năm.
Việc tăng thuế thuốc lá được cho là một giải pháp hiệu quả và cấp bách để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đồng thời, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế mà thuốc lá gây ra./.