Ngày 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (ngày 20-9) đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong khoảng thời gian trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc rất khẩn trương, tiến hành hơn 10 phiên họp cho ý kiến giải quyết gần 100 vấn đề lớn theo thẩm quyền, trong đó tháo gỡ cơ bản những tồn đọng, vướng mắc và giải quyết nhiều vấn đề mới phát sinh.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Không thể chậm trễ hơn được nữa
Theo Tổng Bí thư, Quốc hội - Chính phủ - Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp triển khai rất quyết liệt, nhịp nhàng để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, rào cản gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân...
Những việc làm trên bước đầu đã tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, trước mắt là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2024 và năm 2025; tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
“Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ.
Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”- Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm sau đó nhấn mạnh ba vấn đề. Về kinh tế - xã hội, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Theo ông, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
“Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian” - ông nói và cho hay Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
Tổng Bí thư yêu cầu cần nhận thức rõ đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật.
“Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế…” - Tổng Bí thư nói thêm và cho rằng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ; bây giờ là lúc phải hành động.
Ông lưu ý hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Tổng Bí thư cũng lưu ý ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong Nhân dân và người dân phải cảm nhận được Nhân dân là người hưởng thụ những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng cùng thực hiện.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội
Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh cấp uỷ các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới.
“Chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để nâng mình lên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội, như người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khoá mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...
“Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp uỷ đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ” - Tổng Bí thư yêu cầu.
Tạo thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian đề cập về vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ông cho rằng đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
Theo Tổng Bí thư, nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.
“Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhận định dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản… nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u"- Tổng Bí thư nói và đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này.
“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị” - vẫn lời Tổng Bí thư.
Ông yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần ‘vừa chạy vừa xếp hàng’; ‘Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở’; ‘Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng’.
Theo đó, từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ, trong đó bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12-2024. Mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương Phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.
“Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...” - theo Tổng Bí thư.
Nhận định công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”.
Tạm dừng bổ nhiệm, dừng tuyển công chức
Trong phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
“Không để cơ quan nhà nước là ‘vùng trú ẩn an toàn’ cho cán bộ yếu kém” - Tổng Bí thư nói.
Ông thông tin Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn, trừ những trường hợp thật sự cần thiết.
Cạnh đó, tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1-12-2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương. “Đề nghị cấp uỷ các cấp quán triệt, thực hiện tốt nội dung này”- Tổng Bí thư yêu cầu.