Quang cảnh Hội thảo quốc tế "Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững". Ảnh: Huế Trần

Đây là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế "Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững" do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Inland, Na Uy tổ chức từ ngày 02 - 06/12/2024, tại Hà Nội.

 Hội thảo quốc tế "Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững" là một phần trong Chương trình Đối tác Hợp tác Học thuật Toàn cầu (NORPART) được tài trợ bởi chính phủ Na Uy.

Dự án Xây dựng tương lai cho trẻ em bắt đầu từ năm 2019 và đã tổ chức thành công nhiều chương trình trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Na Uy, bao gồm các khoá học chuyên sâu về hỗ trợ sức khoẻ tâm thần do các chuyên gia Na Uy giảng dạy tại Việt Nam, chương trình hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, các khoá học trao đổi giữa các học viên Việt Nam và Na Uy.

Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào sự giao thoa giữa sự lành mạnh của trẻ em và gia đình và các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, sức khỏe tâm thần và sự phát triển bền vững cho các cá nhân, xã hội và toàn cầu. Với mục tiêu là tìm kiếm và cùng tạo ra các kiến thức khoa học nhằm bảo vệ và nâng cao sự phát triển của trẻ em, nâng cao các kỹ năng trị liệu và hỗ trợ trẻ em và gia đình khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ chia sẻ và sử dụng các kiến thức hiện có để giúp nuôi dưỡng, thúc đẩy sự hạnh phúc ở trẻ em, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ và sự trách nhiệm của các công dân.

Với chủ đề “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững”, Hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Các rối loạn phát triển thần kinh và rối loạn phát triển; Sự phát triển thời thơ ấu, dinh dưỡng và chăm sóc; Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình bên cạnh các thách thức về môi trường và đô thị hóa; Giảng dạy và tăng cường sức khỏe tâm thần qua các sáng chế truyền thông và công nghệ.

Hội thảo cũng là nơi các nhà thực hành và nghiên cứu cùng nhau trao đổi những cập nhật mới nhất về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và trên thế giới, và cùng tìm ra các giải pháp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em và các gia đình Việt Nam.

Cùng nhau tạo ra các kiến thức khoa học liên quan tới sự lành mạnh của gia đình và trẻ em

 PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Hội thảo quốc tế “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững” được tổ chức nhằm mục tiêu nâng cao hợp tác và trao đổi giữa các nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực, giữa các chuyên gia nghiên cứu và các nhà thực hành. Bên cạnh đó, cùng nhau tạo ra các kiến thức khoa học liên quan tới sự lành mạnh của gia đình và trẻ em.

Chương trình hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày với 8 báo cáo tại phiên toàn thể và 16 báo cáo tại 8 tiểu ban tập trung vào các chủ đề đa dạng như: Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và các yếu tố liên quan; Vai trò của gia đình đối với sự lành mạnh của trẻ em và vị thành niên; Sức khoẻ hành vi và cảm xúc ở học sinh; Nuôi dưỡng khả năng phục hồi ở vị thành niên; Sự lành mạnh ở trẻ em có rối loạn phát triển thần kinh và người chăm sóc; Các chương trình can thiệp giáo dục hướng tới sức khoẻ và năng lực học tập; Các chương trình can thiệp tâm lý sử dụng công nghệ và phi công nghệ cho trẻ em có rối loạn tâm thần; Thúc đẩy hiểu biết về sức khoẻ tâm thần ở học sinh.
 
GS.TS Lars Lien - Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy chia sẻ: Vấn đề tuổi thơ tiêu cực ở trẻ em và các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất sau này. Theo GS Lars Lien, trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, bao gồm những trải nghiệm như bị lạm dụng, bỏ bê và bất ổn gia đình, có ý nghĩa sâu sắc đối với sức khỏe sinh lý và tâm lý sau này trong cuộc sống.

GS.TS Lars Lien - Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy chia sẻ tại hội thảo 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghịch cảnh thời thơ ấu có thể phá vỡ sự phát triển thần kinh học, dẫn đến phản ứng căng thẳng gia tăng và thay đổi cấu trúc và chức năng não. Mô hình sinh học tâm lý xã hội nhấn mạnh sự tương tác của các khuynh hướng sinh học, khả năng phục hồi tâm lý và hỗ trợ xã hội trong việc làm trung gian cho những kết quả này.

Trẻ em an toàn là nền tảng trong sự phát triển bền vững của địa phương, quốc gia và  toàn cầu
G.S Kerstin SøderstrømĐại học Khoa học Ứng dụng Inland, Na Uy cho rằng: Sự phát triển bền vững đối với từng trẻ là kết quả của một bối cảnh chăm sóc an toàn và nuôi dưỡng với những thách thức và trách nhiệm có thể quản lý được để xây dựng sức mạnh và kỹ năng để vượt qua khó khăn. Cảm thấy an toàn thúc đẩy việc học tập và năng lực xã hội. Trẻ em an toàn là nguồn lực trong trường học, nơi làm việc và là nền tảng trong sự phát triển bền vững của địa phương, quốc gia và toàn cầu.
Đầu tư vào sức khỏe và hạnh phúc của trẻ nhỏ mang lại nhiều lợi ích hơn bất kỳ khoản đầu tư xã hội nào khác. Tuy nhiên, khoản đầu tư này phải được mở rộng vượt ra ngoài các hoạt động lâm sàng và nghiên cứu truyền thống để ngăn ngừa và điều trị hậu quả từ nghịch cảnh thời thơ ấu như bạo lực gia đình, lạm dụng, cha mẹ nghiện rượu, mất mát đột ngột, chiến tranh và xung đột,... Các mối đe dọa liên quan đến khủng hoảng khí hậu và thiên nhiên ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em theo nhiều cách. Nếu chúng ta mong đợi thế hệ tiếp theo cứu hành tinh, chúng ta phải bảo vệ thế hệ tiếp theo.

 

 

Thanh Huyền tổng hợp