Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Ninh Thuận. |
Báo cáo về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh đã khảo sát, đo đạc xác định tổng diện tích quy hoạch xây dựng 2 Nhà máy là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người với 1.100 hộ. Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 2 xã Phước Dinh, Vĩnh Hải và vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống - sản xuất.
Việc tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Tỉnh đề nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để làm cơ sở cho tỉnh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án; tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, vận động tạo sự đồng thuận khi dự án được triển khai. Tỉnh đề xuất tiếp tục được xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có Nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng và xúc động, chứng kiến vùng đất khô hạn với lượng mưa ít ỏi, thấp nhất cả nước chỉ với khoảng 700-800 mm một năm, Ninh Thuận đã vượt lên khó khăn, biết khai thác những tiềm năng sẵn có, từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đến du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao. Ninh Thuận ngày nay không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự quyết tâm, bền bỉ, sáng tạo có thể biến những thách thức thành cơ hội, mở ra con đường phát triển bền vững và đầy hy vọng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua.
Về một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận.
Đối với điện hạt nhân, vừa qua Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.
Tổng Bí thư mong muốn, người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước, chắc chắn sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển. Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.
Nhấn mạnh quá trình phát triển của Ninh Thuận còn chưa tương xứng với tiềm năng, Tổng Bí thư chỉ rõ những thế mạnh để phát triển như tiềm năng du lịch; kinh tế biển, cảng biển và trung tâm dịch vụ logistics; năng lượng điện mặt trời, điện gió; công nghiệp muối và hóa chất sau muối…Tất cả giá trị tiềm tàng của Ninh Thuận rất lớn cần có cách nhìn mới mang tính thời đại, toàn cầu, mang hơi thở của kỷ nguyên vươn mình để đánh thức tiềm năng đang ẩn chứa trong đất và người Ninh Thuận./.