Các bệnh không lây nhiễm có 4 nhóm chính gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và tiểu đường.

Trên toàn cầu, các bệnh không lây nhiễm cướp đi mạng sống của 41 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, đây là nguyên nhân gây ra hơn 70% số ca tử vong, 41,5% số trường hợp dưới 70 tuổi. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Cụ thể, bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và tiểu đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật.

Số bệnh nhân mắc các bệnh không truyền nhiễm lớn, tạo gánh nặng cho người dân, xã hội, ngành y tế. 

Bệnh tim mạch

Kể cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra (năm 2021), bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong.

Theo thống kê của Viện Tim mạch, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành khoảng 25%, tương đương 4 người trưởng thành có 1 người mắc. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần.

Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch gia tăng ở các nước có thu nhập thấp.

Ung thư

Theo thống kê của GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Việt Nam ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới tại châu Á và thứ 101 trên toàn cầu.

Ở nam giới, các loại ung thư phổ biến lần lượt là ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (19,7%), tiếp theo là ung thư phổi (17,7%) và ung thư dạ dày (11%). Ở nữ giới là ung thư vú (28,9%), ung thư phổi (8,7%), ung thư đại trực tràng (8,7%).

Bệnh hô hấp mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Bộ Y tế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân khiến hơn 25.000 người tử vong mỗi năm tại Việt Nam. Số liệu sơ bộ của điều tra do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng cục Thống kê triển khai cho thấy có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh tiểu đường

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với gần 5 triệu bệnh nhân. Theo dự báo, số ca mắc của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Căn bệnh này là một trong những yếu tố phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.

Hơn 55% số ca mắc tiểu đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% về mắt và thần kinh; 24% về thận.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi đã trở nặng. Một cách để đối phó với thách thức này là chủ động khám để phát hiện bệnh tại cộng đồng, có giải pháp điều trị sớm.

Từ năm 2016, WHO đã hợp tác với Bộ Y tế nhằm đảm bảo nhiều người hơn có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị mà họ cần. Theo đó, các trạm y tế đảm nhiệm quản lý điều trị tới 80% bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm ở thể nhẹ.

WHO cũng hợp tác với Bộ Y tế, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Y tế công cộng đưa phác đồ điều trị đơn giản và bộ công cụ tới các tỉnh thành của cả nước.

PV tổng hợp