Tổng điều tra toàn quốc cho thấy chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm và nữ đạt 156,2cm (năm 2020). So với các nước trên thế giới và khu vực, chiều cao của người trưởng thành Việt Nam thuộc nhóm 30% thấp nhất. 

So với kết quả của 10 năm trước, nam thanh niên tăng 3,7cm, nữ tăng thêm 2,6cm. 

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Bởi vậy, trước 12 tuổi được xem là “lứa tuổi vàng”, quyết định rất lớn đến thể chất và trí tuệ của mỗi người. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định chiều cao, chiếm khoảng 32%. Ngoài ra, các yếu tố di truyền, vận động, môi trường sống cũng ảnh hưởng tới thể trạng của trẻ. 

dinh duong.jpg
Trẻ em được chăm lo dinh dưỡng sẽ có tiềm năng phát triển chiều cao. Ảnh minh họa

Để chiều cao trẻ phát triển tốt, điều kiện tiên quyết là trẻ phải tăng cân. Ở nước ta, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm mạnh nhưng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn rất cao, ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2023 là 18,2%, mục tiêu là đưa con số này về dưới 15% vào năm 2030.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TPHCM), nguyên tắc để đạt được nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi tiểu học như sau: 

- Ăn đủ bữa: 3 bữa chính (sáng - trưa - chiều), 2 bữa phụ. Bữa chính cần đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột; chất béo; chất đạm; nhóm giàu vitamin, khoáng, chất xơ). Bữa phụ ưu tiên uống sữa.

- Đảm bảo nhu cầu canxi giúp xương chắc khỏe, phát triển chiều cao. Thực phẩm giàu canxi gồm sữa, cua, ốc, tôm, tép…

- Ăn nhiều thực phẩm giàu lysin hỗ trợ tăng trưởng chiều cao như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu.

- Bổ sung chất sắt bằng cách ăn gan, tiết, trứng, thịt, cá, đậu, đỗ, rau dền. Thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, gây chậm tăng trưởng, ảnh hưởng sức khỏe, sức học.

- Sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn hoặc dùng các thực phẩm như phô mai, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo. Thiếu i-ốt sẽ dẫn đến trì trệ về phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Những vấn đề dinh dưỡng thường gặp ảnh hưởng tăng trưởng chiều cao trẻ em là biếng ăn, suy dinh dưỡng; dư cân, béo phì; không thích uống sữa; nhiễm giun sán. 

Nhu cầu về năng lượng và đạm ở lứa tuổi tiểu học trong 1 ngày như sau:

TT Thực phẩm 6-9 tuổi 10-12 tuổi
1 Gạo 220-250g 300-350g
2 Thịt 50g 70g
3 Cá (tôm) 100g 150g
4 Đậu phụ 100g 150g
5 Trứng (gà, vịt) 1/2 quả 1 quả
6 Dầu (mỡ) 20g 25g
7 Sữa 500-600ml 500-600ml
8 Đường 10-15g 10-15g
9 Rau xanh 250-300g 300-500g
10 Trái cây chín 150-200g 200-300g

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra các chỉ tiêu đối với tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học: 

- 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa.

- 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm.

- 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.