Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được đo lường dựa trên Bộ Chỉ số đánh giá gồm 5 trụ cột và 42 tiêu chí.
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được đo lường dựa trên Bộ Chỉ số đánh giá gồm 5 trụ cột và 42 tiêu chí.
 

 

Năm 2024 ghi nhận 351 cơ quan báo chí tham gia chương trình Tập huấn, hướng dẫn cơ quan báo chí thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số do Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày 30-31/10/2024.

Trong đó, có 339 cơ quan báo chí hoàn thành bài thực hành đạt yêu cầu của chương trình và được cấp tài khoản chính thức trên cổng thông tin của Trung tâm tại địa chỉ https://pdt.gov.vn để thực hiện đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của đơn vị, bắt đầu từ ngày 1/11/2024 đến ngày 15/11/2024.

Số liệu được sử dụng nhập liệu để đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 là số liệu thực tế của đơn vị tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/10/2024; các tài liệu kiểm chứng cho mỗi tiêu chí được chọn phải có giá trị hiệu lực đến thời điểm công bố kết quả xếp hạng năm 2024.

Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: Chiến lược: 18 điểm; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; và Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Mức 1: dưới 50 điểm - ở mức yếu; mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm - ở mức trung bình; mức 3: từ 60 đến dưới 70 điểm - ở mức khá; mức 4: từ 70 đến 80 điểm - ở mức tốt; mức 5: trên 80 điểm - ở mức xuất sắc.

Việc ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm cung cấp thước đo khách quan, toàn diện về quá trình chuyển đổi số trong ngành báo chí, hỗ trợ hiện thực hóa Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua đây, các cơ quan báo chí sẽ có thể so sánh và đánh giá tiến độ của mình, từ đó phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu, và tiếp tục cải tiến quy trình để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

 

Bộ Chỉ số này cũng đặt ra kỳ vọng tạo lập cơ sở dữ liệu chuyển đổi số báo chí với thông tin minh bạch, qua đó hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp thúc đẩy và quản lý hiệu quả ngành báo chí trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.

Ngày 16/12, công bố kết quả chuyển đổi số báo chí năm 2024 ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

 

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua, khi đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số báo chí, kết quả cho thấy các đài phát thanh và truyền hình chuyển đổi số tốt hơn. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo một số doanh nghiệp công nghệ số trong ngành hỗ trợ chuyển đổi số một số cơ quan báo chí để làm mẫu và sau đó phổ cập ra các cơ quan báo chí còn lại.

 Kết quả tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 cho thấy chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc, 8,06% đạt mức tốt, 13,19% đạt mức khá, 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu. Trong đó mức xuất sắc khối báo chí trung ương chiếm tỷ lệ cao nhất với 50%, khối đài 40% và khối địa phương chiếm 10%. Riêng mức yếu, cao nhất thuộc về khối tạp chí khoa học chiếm 45,35%, khối trung ương 31,82%, khối địa phương 17,44% và khối đài 12,79%.
 
 
Văn Toản