Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và có thể gây thành dịch. Các virus thường gặp gây bệnh là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Bệnh tay chân miệng gây tổn thương trên da và niêm mạc, với các vết phỏng nước thường xuất hiện ở các vị trí như miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông và đầu gối.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, và thậm chí tử vong. Các biến chứng nghiêm trọng chủ yếu do virus EV71 gây ra.

Khi mắc bệnh, triệu chứng ban đầu ở trẻ có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Trẻ cảm giác khó chịu và xuất hiện tình trạng biếng ăn. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, vết loét gây đau và mụn nước sẽ xuất hiện trong miệng hoặc họng, hoặc cả hai.

Mụn nước có khả năng xuất hiện ở tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má và đôi khi ở mông (ở mông thường do tiêu chảy gây ra). Mụn nước ít khi gây ngứa ở trẻ em, nhưng có thể gây ngứa dữ dội ở người lớn. Vết loét và mụn nước thường tự khỏi trong một tuần hoặc lâu hơn.

Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và chỉ gây sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu vết loét miệng hoặc tình trạng đau họng làm cho trẻ không uống nước được hoặc khi các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ chuyển biến xấu hơn sau vài ngày.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.

Các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cha mẹ cần chú ý theo dõi các chỉ số như SpO2 (nồng độ oxy trong máu) và tình trạng mạch để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Trẻ cần được tái khám 1-2 lần trong vòng 8 ngày điều trị để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như giật mình, thở gắng sức, sốt cao không hạ, hoặc nôn ói nhiều, cần đưa trẻ đi tái khám ngay.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh dễ lây và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Do vậy, biện pháp chính vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã lót, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), rửa sạch đồ chơi, sàn nhà bằng Cloramin B hoặc nước Javel, cách ly trẻ bệnh trong vòng 7 – 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.

Trên thực tế bệnh tay chân miệng thường gặp nhất với trẻ em ở môi trường nhà trẻ, mẫu giáo do trẻ còn nhỏ nên thường đưa tay vào miệng. Với thời tiết hiện nay và việc trẻ quay lại trường học sau kỳ nghỉ dịch kéo dài, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Thanh Huyền tổng hợp