Cảnh báo điểm nóng bụi mịn
Theo dữ liệu của Cổng thông tin quan trắc môi trường (Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc), 10h30 sáng 17/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội là 221 (màu tím), đến 14h, chỉ số này giảm xuống còn 194. Đây là cảnh báo tình trạng không khí xấu, có hại cho sức khỏe con người.
Cập nhật thời điểm 8h sáng nay (18/12) trên ứng dụng VN AQI (được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ số AQI của thành phố tại địa điểm ĐH Bách Khoa là 163 (mức xấu).
Chỉ số chất lượng không khí tại một số điểm do Cổng thông tin quan trắc môi trường đo:
Địa điểm quan trắc | 14h ngày 17/12 | 8h ngày 18/12 |
Nguyễn Văn Cừ | 194 (xấu) | 158 (xấu) |
Đại học Bách Khoa | 179 (xấu) | 163 (xấu) |
Trước đó, tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam” tổ chức ngày 14/11, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm.
Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn cũng cho thấy có tới 29/30 quận/huyện/thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Hiện nay, chỉ số bụi PM10 và PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đều vượt gấp nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ô nhiễm bụi PM2.5 xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện; tập trung ở nội thành (29/30 quận/huyện/thị xã).
Trong khi đó, Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Theo các nghiên cứu khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) từ 58% - 74%, tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14-23%, nguồn nông nghiệp (từ 3,4-18,9%)...
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết theo thống kê toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Hà Nội vào mùa đông thường có lớp bụi mịn dày đặc hơn. Ảnh: Bảo Khánh. |
Tác hại của ô nhiễm không khí
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp.
Nếu hàm lượng PM10, PM2,5 tăng lên 10μg/m3 thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em Hà Nội tăng tương ứng là 1,4%; và 2,2%. Hàm lượng NO2 trung bình trong 7 ngày tăng lên 21,9 μg/m3 số ca nhập viện do viêm phổi sẽ tăng lên 6,1%.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư Vũ Văn Giáp (Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam), ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt với người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, phụ nữ có thai. Đặc biệt, người có bệnh hô hấp sẽ cảm thấy khó thở hơn kèm theo đau tức ngực.
Nếu không khí càng ô nhiễm, tỷ lệ người nhập viện vì các bệnh hô hấp, tim mạch càng tăng lên. Vì vậy, bác sĩ Giáp khuyến cáo người có bệnh lý hô hấp không nên ra ngoài đường. Người bị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần lưu ý tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ, nếu có dấu hiệu khó thở, không tự kiểm soát được nên liên hệ với bác sĩ theo dõi. Khi ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang, lưu ý khẩu trang y tế không lọc được bụi mịn.
Theo bà Lê Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trước thực trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, Bộ Y tế đã xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí theo các mức chỉ số chất lượng không khí AQI cho người bình thường, những người nhạy cảm và các mức độ nguy hại cụ thể với từng nhóm đối tượng để người dân có biện pháp dự phòng.