Nhìn từ góc độ công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ Nội vụ cũng giống các tổ chức khác, thường có 2 loại việc cần đến công nghệ. Loại thứ nhất tốn nhiều công sức thời gian, loại thứ hai là việc khó. Những việc tốn nhiều công sức, thời gian có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa như quản lý hồ sơ công chức bằng công nghệ số. Ứng dụng công nghệ thông tin là "làm cái cũ, theo cái cũ" nhưng được tự động hóa. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, tích hợp hệ thống quản lý tập trung, cập nhật thời gian thực. 

Những việc khó cần đến chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, tức là cần đến công nghệ và cả sự thay đổi cách làm như đánh giá cán bộ, đánh giá hiệu quả và năng lực công chức, vốn là việc khó lâu nay, qua nhiều nhiệm kỳ đã có nhiều giải pháp, cố gắng nhưng vẫn chưa có có bước tiến đột phá.

“Đánh giá người và người thì cái khó là khách quan, ít số liệu, thiếu minh bạch, nhưng nếu ứng dụng công nghệ thì sẽ khách quan, minh bạch và dựa trên số liệu”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Theo ông, Bộ Nội vụ có thể triển khai hệ thống đánh giá tự động, sử dụng các công cụ đánh giá tự động, công cụ trực tuyến để giám sát, theo dõi tiến độ và kết quả công việc; đánh giá hiệu suất làm việc như KPI, cũng như các chỉ số định lượng khác. Dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để trợ giúp phân tích dữ liệu, đưa ra các đánh giá khách quan, hiệu quả công việc. Phần mềm này đã có sẵn.

Nêu một việc khó nữa trong nhiều năm nay là nâng cao chất lượng công chức, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, cách làm truyền thống của chúng ta vẫn là đào tạo. Hiện nay, cách làm mới là cung cấp cho mỗi công chức một trợ lý ảo.

"Mỗi khi làm việc gì, cần thông tin gì thì hỏi trợ lý ảo, cung cấp toàn bộ tri thức của tổ chức cho trợ lý ảo, bổ sung cập nhật tri thức mới của trợ lý ảo. Khi đó, trợ lý ảo giống như một công chức xuất sắc nhất của một tổ chức. Có trợ lý ảo, người kém nhất của mỗi tổ chức ít nhất cũng bằng người khá giỏi”, nêu quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trợ lý ảo đang là ứng dụng hiệu quả nhất của trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ công nghệ này và có thể triển khai ngay trợ lý ảo cho Bộ Nội vụ.

Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số một tổ chức phụ thuộc chủ yếu vào 2 người. Người thứ nhất là người ra quyết định, quyết định đưa mọi việc lên môi trường số. Đưa nội dung lên môi trường số thì mỗi cán bộ, công chức nhập dữ liệu vào 15 phút tối đa. Khi đó mọi cái trở thành dữ liệu.

Quyết định thứ 2 là thay đổi cách thức hoạt động, thay đổi quy trình. Ví dụ như khi đánh giá cán bộ thì dựa trên dữ liệu của hệ thống thay vì đào tạo làm trợ lý ảo.

Trong hai việc trên, biến mọi thứ thành dữ liệu là quan trọng nhất và mang tính quyết định. Ra được 2 quyết định trên là 70% thành công của chuyển đổi số. 

Người thứ hai là giám đốc chuyển đổi số, hay gọi theo cách cũ là giám đốc công nghệ thông tin. Đây là người dùng công nghệ để hiện thực hóa các quyết định của người thứ nhất. Người này tuy quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ nhưng chỉ quyết định 30% thành công của chuyển đổi số. “Bộ Nội vụ nếu thiếu người này thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cử sang 1 người”, ông nói. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, nếu chúng ta nhìn chuyển đổi số dưới góc nhìn này thì sẽ thấy chuyển đổi số dễ làm và làm được ngay. “Tất nhiên cũng có nhiều góc nhìn khác, chuyển đổi số sẽ phức tạp hơn, khó làm, khó thành công”.

Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, ngoài đổi mới mô hình tổ chức, con người, còn có công nghệ. Công nghệ dễ làm hơn, hiệu quả nhanh hơn, nhưng chúng ta lại chưa quan tâm nhiều. Công nghệ số, nhất là AI, có thể tạo ra những thay đổi lớn trong bộ máy nhà nước. “Bộ Thông tin và Truyền thông có thể trợ giúp đắc lực cho Bộ Nội vụ về công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong phần cuối phát biểu của mình./.

Theo TTXVN