Học sinh vi phạm giao thông nếu không biết sửa đổi hoặc chuyển biến chậm sẽ bị đánh giá hạnh kiểm yếu. 

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tăng cường phối hợp với nhà trường và phụ huynh để xử lý tình trạng học sinh vi phạm giao thông. Vậy, học sinh vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?

Quy định về xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông

Theo Khoản 1 và Khoản 3, Điều 4 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh được xếp hạnh kiểm tốt khi thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Ngược lại, học sinh bị xếp hạnh kiểm yếu khi có một số khuyết điểm trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 4, nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.

Như vậy, đối với những trường hợp học sinh vi phạm giao thông, nhà trường sẽ tiến hành hạ hạnh kiểm xuống mức yếu. Ngoài ra, nhiều trường học còn áp dụng các biện pháp xử phạt mang tính răn đe để tránh tình trạng tái phạm.

Nổi bật, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ rặng: bắt đầu từ ngày 1/1/2025, học sinh vi phạm giao thông sẽ bị xếp loại hạnh kiểm thấp.

Trách nhiệm của nhà trường khi học sinh tham gia giao thông

Theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP, nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh và gia đình ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung bao gồm:

·        Học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

·        Không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn.

·        Gia đình học sinh không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em chấp hành cam kết. Các buổi trao đổi thông tin với phụ huynh cần được tăng cường để nắm bắt tình hình chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh.

Trong thời gian tới, các trường học cũng cần đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Danh Hưng