Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bộ Y tế đang rà soát cho tiêm vaccine sởi đối với trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở những địa bàn có nguy cơ cao và rất cao. Nguồn vaccine có đủ cho tiêm chủng hay không trong khi nhiều nơi kêu đấu thầu khó khăn?

Sởi tăng mạnh ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng

 Không nghĩ con trai mới 7 tháng tuổi lại mắc sởi, khi con sốt cao, ho từng cơn không dứt, khó thở, chị Vũ Thị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho con đi khám và bất ngờ nhận được kết quả con bị sởi biến chứng viêm phổi nặng. Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, con trai chị phải thở oxy và điều trị tích cực.

Cũng chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi như con chị Phương, cháu Vũ Lê Thành, 3 tháng tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội nhập viện do ho từng cơn, sốt. Trước đó, cháu điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì phát hiện hạch ở nách, sau đó bị lây nhiễm sởi ở cộng đồng. Khi thấy con phát ban, sốt gia đình đưa tới viện thì cháu bé đã bị sởi biến chứng viêm phổi.

Ngoài nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng bị mắc sởi thì cũng có nhiều trẻ đã đến tuổi hoặc quá tuổi tiêm chủng nhưng gia đình chủ quan không cho con tiêm phòng. Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã gia tăng trên cả nước. Tại Hà Nội, hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ đầu tháng 10. TS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận điều trị cho gần 40 bệnh nhi mắc sởi trong 1 tháng trở lại đây. BS Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Số trẻ mắc sởi chủ yếu từ 4-8 tháng tuổi. Nhiều trẻ biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng viêm não.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 1 tháng ghi nhận 195 ca sởi dương tính, trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Đủ vaccine tiêm cho trẻ ở 30 tỉnh

Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 gia tăng là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi. Mặc dù công bố dịch sởi từ tháng 8/2024, Bộ Y tế đã phê duyệt cho TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, nhưng đến thời điểm này, dịch sởi ở đây vẫn chưa giải quyết triệt để. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hồ Chí Minh, tuần qua, TP ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12, TP ghi nhận 2.400 ca bệnh sởi, 4 trường hợp tử vong.

Tương tự, dịch sởi diễn biến phức tạp tại tỉnh Đồng Nai, trong tuần vừa qua, tỉnh ghi nhận 851 ca mắc. Ổ dịch sởi ở Đồng Nai đã ghi nhận 5,6 nghìn ca từ đầu năm 2024 đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ có 3 ca. Ngoài ra, Đồng Nai cũng ghi nhận 2 ca tử vong, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều trẻ nhỏ ở Đồng Nai mắc sởi diễn biến nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, thở oxy, thở máy.

Theo thống kê từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, TP phía Nam đã ghi nhận 19 nghìn ca mắc sởi, tăng gấp 56,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Còn đại diện CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, dự báo trong thời gian tới tiếp tục tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Theo phản ánh, một trong những nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vaccine sởi nằm ngoài Chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi và tổ chức tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi tại 18 tỉnh, TP có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng đạt 98%, các tỉnh gần như không phải mua vaccine, mà hơn 1,2 triệu liều vaccine tiêm cho các trường hợp này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ và đã tiêm hết.

Vậy, với những ca mắc sởi nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng (9-18 tháng) đang gia tăng, chiếm 27,2% số ca mắc thì giải quyết ra sao? Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để giải quyết vấn đề này, tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt việc triển khai tiêm vaccine sởi mở rộng cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi tại TP Hồ Chí Minh và đã tiêm đủ. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm mở rộng độ tuổi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở nhiều địa bàn khác. “Hiện 30 tỉnh, TP xin bổ sung vào chương trình tiêm chủng chiến dịch và mở rộng độ tuổi từ 6-9 tháng. WHO đã có văn bản đồng ý bổ sung thêm 260 nghìn liều vaccine cho Bộ Y tế để tiêm cho độ tuổi 6-9 tháng”, ông Đức cho biết.

Việc lo lắng của người dân liệu có đủ vaccine để tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này hay không, ông Đức khẳng định đã bố trí đủ vaccine cho 30 tỉnh, TP đề xuất và đang làm thủ tục để phân bổ cho các tỉnh. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, các nghiên cứu cho thấy, vaccine sởi đơn có thể tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi “sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Trần Thắng (tổng hợp)