Cụ thể: Bệnh viện 74 Trung ương chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tổ chức lại thành hai bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện lại đề án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Cả nước hiện có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa (như Bệnh viện Bạch Mai, E, Chợ Rẫy...), 23 bệnh viện chuyên khoa (như Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Da liễu Trung ương, Sản Trung ương, K...), và 13 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế (như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM...).
Bộ Y tế cũng cho biết đang hoàn thiện đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia; đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 12 này.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang sắp xếp, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Theo Niên giám thống kê y tế năm 2020, số giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế chiếm 11,3% tổng số giường bệnh công lập trên cả nước. Tỷ trọng sử dụng dịch vụ y tế nội trú tại tuyến này chiếm khoảng 9,4%. Con số này với tuyến tỉnh là 51,4% và 37,3% với tuyến huyện. Tỷ trọng giường bệnh ngoài công lập chiếm khoảng 7% tổng số giường bệnh trên cả nước
Theo Bộ Y tế, khi một số bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư, nâng cấp trở thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng, xu hướng sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở tuyến trung ương sẽ giảm.
Cơ quan này dự báo, đến năm 2050, tỷ trọng sử dụng dịch vụ ở bệnh viện tuyến trung ương "mong đợi sẽ giảm xuống còn 5%". Khoảng 50% người bệnh sẽ sử dụng dịch vụ nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, 40% sẽ ở tuyến huyện.
Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra còn khá phổ biến
Theo đánh giá về mạng lưới y tế Việt Nam, phân bố về vị trí không gian của các bệnh viện tuyến trung ương không đồng đều giữa các vùng KT-XH. Theo đó, bệnh viện tuyến trung ương đảm nhận vai trò tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật nhưng khả năng tiếp cận đến bệnh viện tuyến trung ương hạn chế ở một số vùng.
Đơn cử, vùng Tây Nguyên không có bệnh viện tuyến trung ương nào, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng chỉ có 1 bệnh viện tuyến trung ương, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh nhưng cũng chỉ có 1 bệnh viện tuyến trung ương.
Khả năng tiếp cận về mặt khoảng cách tới các bệnh viện tuyến trung ương còn thấp, một số tỉnh có khoảng cách từ BVĐK tỉnh tới BVĐK tuyến trung ương gần nhất phải mất 4-5 tiếng đi bằng ô tô, có những tỉnh phải mất 10-11 tiếng.
Tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2025 diễn ra ngày 24/12, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Bộ Y tế cho biết chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch. Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra còn khá phổ biến.
Đánh giá năng lực của bệnh viện tuyến tỉnh và y tế cơ sở, Bộ Y tế cho rằng năng lực cung ứng dịch vụ y tế của bệnh viện tuyến tỉnh hạn chế; tỷ lệ người bệnh từ các tỉnh đến khám chữa bệnh ở một số bệnh viện tuyến trung ương rất cao.
Theo số liệu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2020, tỷ lệ người bệnh đa tuyến đến từ ngoại tỉnh cao nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (86,5%), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (75,2%), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (70,9%) và Bệnh viện Bạch Mai (68,3%).
Nghiên cứu đánh giá tình trạng quá tải, dưới tải một số bệnh viện do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện cho thấy có tới 35,4% người bệnh đến khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai có thể điều trị được ở bệnh viện tuyến tỉnh; tương tự với Bệnh viện Phụ Sản Trung ương là 43,3% và 35,5% với Bệnh viện Nhi Trung ương...