Sáng 26-12 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do vắng mặt bị cáo Trịnh Văn Quyết, một số luật sư và nhiều bị hại.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo trong vụ án. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 7 luật sư bào chữa; bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có 2 luật sư bào chữa…

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên sơ thẩm 

Tại phần thủ tục sáng 26-12, thư ký phiên tòa thông báo bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn xin vắng mặt.

Đại diện trại tạm giam T16 thông báo ngày 11-12, đơn vị nhận được lệnh trích xuất của TAND Cấp cao tại Hà Nội về việc trích xuất 23 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để xét xử phúc thẩm ngày 26-12, đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm. Đến ngày 23-12, Trại tạm giam T16 có công văn về việc xác nhận tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trịnh Văn Quyết đang điều trị tại khoa Lao, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.

Ngày 24-12, Bệnh viện 19-8 có công văn trả lời trại tạm giam về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trịnh Văn Quyết. Theo đó, bệnh nhân Trịnh Văn Quyết đang điều trị nội trú tại khoa Lao với chẩn đoán bệnh hen phế quản, lao phổi, dị ứng thuốc lao, ho ra máu do lao, viêm gan, suy thận do thuốc lao, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa do thuốc lao.

"Hiện tại tình trạng bệnh nhân còn khó thở, được truyền dẫn khí rung, thở ôxy. Tình trạng suy thận, viêm gan, dị ứng thuốc lao cần theo dõi sát, do đó bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi tích cực tại bệnh viện. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chưa đủ điều kiện để ra viện"- đại diện Trại tạm giam T16 thông tin.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay 26-12 

Trước phiên phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi chủ tọa phiên phúc thẩm Võ Hồng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xin hoãn xét xử. Trong đơn, cựu chủ tịch FLC trình bày "sức khỏe đang không được tốt để có thể tới tham dự phiên tòa phúc thẩm".

Bị cáo Trịnh Văn cho biết trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính, do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày, suy thận cấp và đang phải điều trị tích cực.

Bên cạnh đó, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định dù sức khỏe không tốt trong thời gian qua nhưng: "Tôi vẫn giữ quyết tâm và ý thức về việc khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất có thể".

Trong đơn, bị cáo Quyết thể hiện đã nộp hơn 600 tỉ đồng khắc phục hậu quả và thời gian tới, sẽ thu xếp thêm tiền để hoàn thành việc khắc phục. "Tôi sẽ sử dụng nguồn tiền tài sản hỗ trợ giúp đỡ từ anh em, họ hàng, bạn bè, cộng thêm giá trị các tài sản của tôi hiện đang bị kê biên, phong tỏa trong vụ án này là đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả"- bị cáo Quyết trình bày trong đơn gửi tòa.

Trước đó đầu tháng 8-2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng cả 2 tội danh là 21 năm tù. Hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga bị tuyên lần lượt 14 năm tù và 8 năm tù cùng về 2 tội danh nêu trên.

Về dân sự, đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm phải bồi thường thiệt hại hơn 1.785 tỉ đồng cho các bị hại. Trong đó, bị cáo Quyết phải chịu trách nhiệm chính.

Theo bản án, bị cáo Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư. Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, ông Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tới 4.300 tỉ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Bản án sơ thẩm xác định Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên hơn 4.300 tỉ đồng; thu lời bất chính hơn 3.600 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức tích cực.

Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bản án nhận định hành vi của các bị cáo trong vụ án làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư… Hậu quả vụ án khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỉ đồng ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Danh Hưng