Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương với 89 điều, quy định các nội dung cụ thể về: Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm…

 

Trong đó, đáng chú ý là Điều 58 Luật này quy định mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ. Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.

Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ giấy phép lái xe của người vi phạm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 2 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Một trong những điểm đáng chú ý của luật là bổ sung thủ tục đấu giá online. Cụ thể, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện tại Cổng đấu giá tài sản quốc gia/trang thông tin đấu giá online.

Các bước thực hiện gồm: Thông báo công khai; người tham gia đăng ký, nộp hồ sơ tham gia, thực hiện đấu giá, nộp tiền đặt trước, xem tài sản đấu giá…; phân công đấu giá viên điều hành; đăng kết quả đấu giá công khai trên trang web trên và gửi mail cho người tham gia đấu giá.

Luật này cũng quy định các trường hợp bị cấm trong đấu giá: Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá; lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với các đối tượng liên quan đến phiên đấu giá nhằm nâng giá, làm sai lệch hồ sơ mời tham gia đất giá, hồ sơ tham gia đấu giá.

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn.

Đồng thời đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật Thủ đô 2024 bổ sung quy định cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố mà luật cũ không đề cập và hiện nay, mới chỉ xuất hiện ở TP.HCM, áp dụng với TP Thủ Đức.

Khi đó, HĐND thành phố thuộc thành phố tại TP Hà Nội sẽ có 2 phó chủ tịch HĐND và có tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách không quá 9 người. Đồng thời, đại biểu chuyên trách HĐND của TP Hà Nội sẽ tăng từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu, chiếm ít nhất 25% tổng số đại biểu HĐND…

Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Nội dung nhận được nhiều quan tâm tại Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) là quy định về tham dự và hoạt động thông tin (ghi âm, ghi hình) tại phiên tòa, phiên họp.

Theo khoản 3 điều 141, việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp; riêng việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án hoặc công bố quyết định.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán phải được sự đồng ý của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Luật mới cũng quy định tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đưa ra định nghĩa vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những thiết bị, phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn.

Trong vũ khí thô sơ có kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Vũ khí thô sơ còn có dao có tính sát thương cao, sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ hiện hành quy định đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng; nguyên Tổng Bí thư; nguyên Chủ tịch nước; nguyên Chủ tịch Quốc hội; nguyên Thủ tướng; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ bổ sung thêm 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Về biện pháp cảnh vệ, luật cũng sửa đổi, bổ sung cụ thể biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Đường bộ 

Luật Đường bộ dành riêng một chương với nhiều quy định mới liên quan đến đường cao tốc. 

Theo quy định, đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông; có dải phân cách phân chia 2 chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định; có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.

Đường được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc bảo đảm khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững, giao thông xanh.

Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch và đồng bộ các công trình sau: Đường gom hoặc đường bên; trung tâm quản lý, vận hành giao thông tuyến đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do Quân đội nhân dân, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật

Luật gồm 11 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, liên quan đến lĩnh vực Quản lý thuế, luật bổ sung chính sách yêu cầu các nhà cung cấp ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, hoặc kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác thì phải có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân.

Chính phủ cũng quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.


KT