Khi đồng hồ trên khắp thế giới điểm chuông nửa đêm vào ngày 31 tháng 12 năm 2024, các màn bắn pháo hoa ngoạn mục và rực rỡ đã lấp đầy bầu trời để đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới.

Phía trên Cảng Sydney - nơi tổ chức một trong những chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới lớn nhất thế giới - 9 tấn thuốc nổ lấp lánh, bốc khói đã được bắn ra trong 2 màn trình diễn riêng biệt.

Ở London, có tới 12.000 quả pháo hoa được bắn lên bầu trời - mặc dù thời tiết xấu đã đe dọa dừng màn trình diễn thường niên tại thành phố năm nay và các chương trình ở những nơi khác tại Vương quốc Anh đã bị hủy do gió lớn, bao gồm cả lễ kỷ niệm Hogmanay nổi tiếng ở Edinburgh.

 

Lệnh cấm pháo hoa tạm thời ở Thành phố New York cũng đã được dỡ bỏ kịp thời cho đêm giao thừa, trong khi ở Las Vegas, một loạt pháo hoa sẽ được bắn lên từ nóc 10 khách sạn và sòng bạc nổi tiếng của thành phố .

Trên thực tế, mỗi năm, người Mỹ vẫn đốt gần 136.000 tấn pháo hoa – gần nửa cân thuốc nổ chia cho mỗi người dân sống ở Mỹ. Châu Âu cũng nhập khẩu khoảng 30.000 tấn pháo hoa mỗi năm, mặc dù con số đó đã giảm đáng kể so với 110.000 tấn trong những năm trước đại dịch.

Trên toàn cầu, ngành công nghiệp pháo hoa đang bùng nổ – quy mô thị trường được định giá 2,69 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến sẽ đạt 3,65 tỷ USD vào năm 2032. Đó là một số tiền khổng lồ được đốt để đổi lấy những ánh mắt háo hức, niềm vui sướng và sự phấn khích của hàng tỷ người trên thế giới trong khoảnh khắc giao thời đón năm mới.

Nhưng có sự thật là, mỗi tia lửa bắn ra từ pháo hoa cũng đều giải phóng rất nhiều khói, mảnh vỡ và các chất độc có thể gây hại – không chỉ cho những người đứng phía dưới khi xem màn trình diễn trực tiếp, mà còn cả những người xem pháo hoa qua màn hình TV.

Tại sao lại vậy?

Pháo hoa được cho là một phát minh của người Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Ban đầu, nó chỉ là những quả pháo tạo tia lửa vàng phụt lên không trung khi người Trung Quốc nén thuốc súng vào ống tre và đốt.

Nhưng dần dần, với các hiểu biết về hóa học hiện đại, con người bắt đầu tạo ra được nhiều loại pháo hoa, với nhiều màu sắc, hiệu ứng ánh sáng và bung tỏa theo các lớp khác nhau.

Chẳng hạn như để có được màu đỏ rực, thuốc pháo hoa thường được pha thêm kim loại Stronti. Với pháo hoa màu xanh, đó là hợp chất của Bari. Kali cho pháo màu tím. Còn bột nhôm thì tạo thành các tia sáng lấp lánh màu trắng…

 Nguồn gốc màu sắc của pháo hoa

Thử nghiệm trên chuột cho thấy các hợp chất của kim loại này khi cháy đều giải phóng ra chất độc gây hại. Ngoài ra, bản thân thuốc pháo cháy còn tạo ra một lượng lớn CO2, CO và SO2…

Nghiên cứu cho thấy khoảng 80% các hạt vật chất phát ra từ pháo hoa có thể hít vào được – nghĩa là chúng có thể đi vào phổi. Các hạt bồ hóng mịn này có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và trẻ nhẹ cân khi sinh…

Những người nhạy cảm với khói pháo hoa nhất là người đã mắc sẵn các tình trạng mạn tính như hen suyễn, khó thở, bệnh ho và đờm mạn tính. Tình trạng của họ có thể ngay lập tức tăng nặng khi đi xem pháo hoa trực tiếp, hoặc thậm chí sống trong khu vực đô thị có bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Đó là bởi các hạt vật chất là phụ phẩm của pháo hoa sau khi đốt không tự nhiên mất đi và tan biến hoàn toàn, chúng sẽ tiếp tục lơ lửng trong không khí của thành phố, ít nhất trong 24 giờ.

Một nghiên cứu tại Đức theo dõi chất lượng không khí của các thành phố trong hơn 11 năm cho thấy nồng độ các hạt bụi mịn và khí độc liên quan đến pháo hoa luôn tăng đột biến trong ngày 1/1 Dương lịch.

Sự gia tăng các hợp chất chứa kim loại nặng như đồng, kali, bari, crom, vanadi và stronti… cũng được ghi nhận ở Hoa Kỳ trong ngày sau giao thừa và sau ngày Quốc khánh Mỹ, 4/7, khi pháo hoa cũng được sử dụng.

Ở một số thành phố, nồng độ ô nhiễm bụi mịn được gọi là PM2.5 có thể cao hơn bình thường từ 1,5 đến 10 lần vào đêm ngày 4/7 và trong suốt ngày hôm sau đêm trình diễn pháo hoa.

 
 Nồng độ ô nhiễm tăng vọt sau đêm giao thừa ở Trung Quốc.

Một nghiên cứu về ô nhiễm pháo hoa ở Ấn Độ đã phát hiện các chất ô nhiễm trong không khí độc hại từ pháo hoa như PM, SO2, NO2 và ozone (O3) tăng vọt lên tới 293,5 μg/m3 trong tối đa 5 ngày sau khi pháo hoa kết thúc. Đây là ngưỡng cao hơn 2.800% so với giới hạn được đề xuất bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vì vậy, dù cho bạn có là người ở nhà đêm giao thừa và chỉ xem pháo hoa qua màn ảnh nhỏ, các cuộc trình diễn này cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Bởi khói pháo hoa cuối cùng sẽ bị pha loãng vào khí quyển của thành phố. Chỉ cần đợi vài tiếng đồng hồ, chúng sẽ đến gõ cửa nhà bạn để "chúc sức khỏe".

Mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào?

Các nghiên cứu tập trung vào tác hại của khói pháo hoa được tiến hành trong nhóm công nhân của nhà máy sản xuất pháo cho thấy, bụi từ các vật liệu có thể khiến họ mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, khó thở, ho, đờm mạn tính. Có một tỷ lệ nhỏ công nhân mắc ung thư phổi.

Tuy nhiên, Peter Brimblecombe, một giáo sư khoa học môi trường tại Đại học East Anglia, Vương quốc Anh, cho biết đối với những khán giả chỉ xem pháo hoa một lần mỗi năm, những tác động từ khói pháo hoa sẽ chỉ là ngắn hạn.

Nặng nhất thì việc đứng gần và hít phải khói pháo hoa sẽ gây khó thở, ho, đau ngực tạm thời. Đối với một số người cực kỳ nhạy cảm, họ sẽ bị viêm họng, sưng họng, viêm thanh quản hoặc giảm chức năng phổi.

Đối với những người không xem pháo hoa trực tiếp nhưng sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi khói pháo, tác động sẽ tương tự như những ngày không khí có nồng độ hạt bụi mịn cao.

Một số người sẽ cảm thấy khó thở, đau đầu và mệt mỏi. Những bệnh nhân hen suyễn sẽ bị tăng nặng. Tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra với các bệnh nhân có bệnh mạn tính đường hô hấp.

Trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khói pháo hoa cao hơn người lớn. Một nghiên cứu ở Hungary đã đánh giá các hạt bụi mịn từ khói pháo hoa lắng đọng trong đường thở của trẻ em với mức độ gấp 3 lần so với người trưởng thành.

 Khói pháo hoa có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Tựu chung lại, các nhà khoa học ước tính khói pháo hoa là một tác nhân ô nhiễm gây ảnh hưởng thầm lặng tới sức khỏe của hàng trăm triệu người mỗi năm. Hầu hết các tác động này ở mức nhẹ, nhưng trên quy mô sức khỏe cộng đồng, chúng vẫn cần phải được nghiên cứu và đánh giá cẩn thận.

Và ngay cả khi khói pháo đã tan đi, chúng vẫn gây ra các tác động kéo dài trên bề mặt hành tinh mà chúng ta không hề hay biết.

Một nghiên cứu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và Cục Công viên Quốc gia đã phát hiện nồng độ perchlorate tăng cao trong các mẫu nước được lấy xung quanh các địa điểm bắn pháo hoa thường niên.

Perchlorate vốn là một chất được sử dụng trong ống pháo để đẩy pháo hoa lên không trung. Nếu pháo hoa được bắn bên cạnh một hồ nước, nồng độ perchlorate trong nước hồ ngay sau đó có thể tăng lên tới hơn 1000 lần mức cho phép.

Và phải mất từ 20-80 ngày, nồng độ perchlorate mới trở về ngưỡng bình thường. Người ta lo ngại rằng chất ô nhiễm này có thể xâm nhập vào nước uống, nơi mà nồng độ perchlorate cao có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của con người.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ hiện đang tài trợ cho một nghiên cứu trị giá 2,5 triệu USD để đánh giá lượng perchlorate từ pháo hoa xâm nhập vào các hồ, sông và suối trên khắp đất nước.

Perchlorate lắng đọng xuống nguồn nước. 
Perchlorate làm suy giảm chức năng tuyến giáp. 

Nhưng mọi chuyện thậm chí còn chưa dừng lại ở đó. Các mảnh xác pháo hoa tiếp tục gây ra một vấn đề nữa với môi trường và nguồn nước: Hạt vi nhựa.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học East London, Vương quốc Anh, họ đã tìm thấy lượng vi nhựa tăng cao hơn 1.000% trong vòng 24 giờ sau một màn trình diễn pháo hoa, trên một đoạn của sông Thames, nơi pháo hoa được bắn.

Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng vì các loại vi nhựa và hóa chất polyme có thể được các loài động vật dưới nước hấp thụ, sau đó đi vào chuỗi thức ăn của con người. Vì vậy, chúng ta đang nói đến những màn trình diễn pháo hoa chỉ kéo dài 15 phút, nhưng có thể gây ra tác động âm thầm trong một khoảng thời gian lâu dài sau đó.

Lựa chọn nào thân thiện hơn với môi trường?

Trên thực tế, loài người không phải là sinh vật duy nhất bị ảnh hưởng bởi pháo hoa. Phát minh này đem đến niềm vui cho chúng ta mỗi khi một quyển lịch được xé hết. Nhưng đối với các loài động vật, chúng chẳng có lịch mà cũng chẳng biết pháo hoa là gì.

Một vật thể cháy sáng rực trên không trung, theo sau là tiếng nổ rầm trời có thể gây sợ hãi cho bất cứ loài nào tiếp xúc với pháo, chẳng hạn như chó mèo trong khu phố, các loài chim và đặc biệt là chim di cư.

Một nghiên cứu theo dõi loài ngỗng Bắc Cực ở Châu Âu phát hiện vào đêm giao thừa, những màn trình diễn pháo hoa có thể dọa loài chim này rời khỏi nơi ngủ đông của chúng và bay thẳng một mạch hơn 500 km về những vùng quê xa xôi.

Những con chim không bao giờ quay trở lại tổ ngủ đông ban đầu của chúng. Trong một trường hợp cực đoan, hàng trăm con chim, chủ yếu là sáo, được tìm thấy đã chết trên đường phố Rome sau sự kiện bắn pháo hoa đêm giao thừa năm 2021.

 

Trước đó vào năm 2011, khoảng 5.000 con sáo cũng tử vong và chết sau một màn pháo hoa giao thừa tại một thị trấn nhỏ ở Arkansas. Người ta thấy đàn sáo đã nháo nhác bay khỏi tổ, rồi đâm vào tường, vào cửa kính và cây cối rồi rụng lả tả xuống đất.

Một nghiên cứu lưu ý rằng thời điểm diễn ra một số sự kiện bắn pháo hoa quy mô lớn hàng năm, chẳng hạn như đêm giao thừa, trùng với hành vi sinh sản và di cư của động vật hoang dã, do đó, có thể gây ra tác động lâu dài đến quần thể động vật.

Để giảm thiểu các tác động của pháo hoa đến với động vật, môi trường và cả con người, một số quốc gia đã có những quy định chặt chẽ với việc mua bán và sử dụng pháo hoa. Tại một số quốc gia như Anh, Chile và Ireland, việc mua bán pháo hoa đã bị cấm.

Tại Việt Nam, người dân chỉ có thể mua các loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, theo quy chuẩn, ít khói, và không gây ra tiếng nổ.

Tuy nhiên, đối với pháo hoa được sử dụng trong các sự kiện như giao thừa, chúng vẫn gây ra tiếng nổ lớn, tỏa khói và sử dụng các vật liệu kim loại nặng để tạo màu. Các nhà khoa học hiện đang tìm kiếm một số giải pháp thay thế các kim loại này trong pháo hoa mà vẫn giữ được màu sắc rực rỡ của chúng.

Việc chuyển sang vật liệu cháy có nguồn gốc Nitơ hiện đang được áp dụng cũng giúp pháo hoa cháy triệt để hơn và tạo ra ít khói hơn.

 

Mặc dù vậy, các chuyên gia môi trường khuyến cáo tốt nhất, chúng ta vẫn nên hạn chế sử dụng pháo hoa. Các màn biểu diễn truyền thống nhân dịp năm mới này có thể được thay thế bằng trình diễn ánh sáng, laser và drone, mặc dù chúng vẫn sử dụng điện nhưng sẽ không tạo ra khí thải và có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, máy bay không người lái cũng có những nhược điểm – các công ty tổ chức các màn trình diễn đêm giao thừa cho biết máy bay không người lái quá chậm để thay thế hoàn toàn pháo hoa. Drones cũng có thể làm phiền động vật hoang dã nếu chúng đến quá gần.

Có lẽ, chúng ta vẫn đang ở cách rất xa một tương lai mà pháo hoa có thể được thay thế hoặc loại bỏ trong mỗi dịp đón năm mới trên quy mô quốc gia. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết cộng đồng địa phương có thể thực hiện các cuộc thảo luận để quyết định có nên bắn pháo trong khu phố của mình không, khi cân nhắc đến những lợi ích tinh thần và tác hại mà loại hình giải trí này mang lại.

Hà Lam