Cách đây ít ngày, người phụ nữ dân tộc Tày ở Lào Cai gặp tai nạn nghiêm trọng, được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch. Dù được cứu chữa tận tình nhưng chị không qua khỏi.
Trong nỗi đau mất mát lớn lao, gia đình đã quyết định dũng cảm hiến tạng của người thân, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Quyết định cao cả này không chỉ thể hiện tình yêu thương vô bờ mà còn là hành động nhân văn, thắp sáng hy vọng cho nhiều mảnh đời khác. Tuy nhiên, do điều kiện y tế Lào Cai chưa thể chủ động lấy tạng của bệnh nhân chết não nên người bệnh đã được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức.
Người phụ nữ được chuyển từ Lào Cai về Hà Nội. (Ảnh: BVCC) |
Tại bệnh viện tuyến trung ương, các chuyên gia lập hội đồng đánh giá chết não, sau đó thực hiện lấy tạng. Một trái tim, một lá gan và một quả thận được ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Quả thận còn lại được vận chuyển xuyên đêm về Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai ghép cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Đây là ca ghép tạng đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, không chỉ cứu sống nhiều người mà còn thắp sáng hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân khác tại địa phương.
Theo Bộ Y tế, sau 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ngành đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, tiệm cận thế giới với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp. Trung bình mỗi năm, ngành thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiến hiện nay đang gây trở ngại trong công tác này. Số lượng tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2024, ngành ghi nhận 39 người chết não hiến tạng - con số cao nhất từ trước đến nay song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn nhiều người bệnh không có tạng để ghép.