Theo thống kê, rối loạn tiền đình là bệnh lý xảy ra chủ yếu ở người trung niên, người cao tuổi thường có những bệnh lý nền trước đó. Tuy nhiên thực tế bất cứ ai cũng có thể là đối tượng của bệnh lý này, kể cả trẻ em. Chứng rối loạn tiền đình ở trẻ em cũng gây ra nhiều nguy hiểm không kém, do đó phụ huynh tuyệt đối không nên chủ quan.
Trẻ em có bị rối loạn tiền đình không thì câu trả lời là có nhưng rất ít phụ huynh có thể phát hiện ra bệnh sớm. Bởi trẻ em thường chưa thể mô tả rõ ràng những vấn đề mà mình gặp phải đồng thời tâm lý phụ huynh cũng thường chỉ cho răng rối loạn tiền đình không xảy ra ở trẻ nhỏ. Mặt khác với những triệu chứng điển hình của bệnh như hoa mắt chóng mặt, phụ huynh thường chỉ cho rằng do bé vui chơi quá sức, ít nghĩ rằng đó là bệnh.
Những nguyên nhân chính thường gây rối loạn tiền đình ở trẻ em bao gồm:
Do bệnh lý: trẻ có thể bị rối loạn tiền đình do biến chứng của các bệnh lý như viêm tai mãn tính, viêm màng não, bệnh về tim mạch, thiết máu hay bị chấn thương ở đầu.. Trẻ điều trị các bệnh lý mãn tính cần phải dùng thuốc nhiều cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này
Do ảnh hưởng từ mẹ: trong quá tình mang thai nếu mẹ không có chế độ chăm sóc sức khoẻ phù hợp, lạm dụng rượu bia thuốc lá, mẹ mắc các bệnh mãn tính cần phải dùng thuốc cũng sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của con, một trong số đó chính là rối loạn tiền đình
Do tâm lý: ở những trẻ gặp nhiều áp lực trong học tập, gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, bạn bè cô lập, mất ngủ cũng thường xuyên gặp các triệu chứng đau đầu, choáng váng.. đây cũng có thể chính là dấu hiệu của rối loạn tiền đình
Do các tác nhân xung quanh: bé sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, ít vận động, thường xuyên sống trong bóng tối, sợ ánh sáng là có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Rối loạn tiền đình ở trẻ có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển và sức khỏe khiến cho sinh hoạt, học tập của trẻ bị đảo lộn.
Trẻ có thể bị té ngã do hoa mắt, chóng mặt, không giữ được thăng bằng khi bị rối loạn tiền đình. Triệu chứng này đặc biệt nguy hiểm nếu xuất hiện vào lúc trẻ đang đi lại hoặc tham gia giao thông.
Trẻ em bị rối loạn tiền đình có thể ghi nhớ không tốt và ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Khi bị rối loạn tiền đình, trẻ cũng gặp không ít khó khăn trong việc tham gia các hoạt động thể chất, nhất là những động tác đứng lên hoặc ngồi xuống, chạy đường dài. Bệnh rối loạn tiền đình ở trẻ em khiến cho khả năng định hướng của trẻ không tốt, do đó, nếu trẻ tự di chuyển một mình trên đường có thể gặp những rủi ro, biến cố như đi lạc.
Một số trẻ quen với triệu chứng đau đầu, choáng váng khi bị rối loạn tiền đình, khi đó trẻ có thể không thông báo cho cha mẹ hoặc người lớn biết để xử lý, khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn trong những giai đoạn sau và gây khó khăn hơn trong việc điều trị.
Mọi trẻ em có các triệu chứng chóng mặt có thể kèm buồn nôn, hay bị đau nửa đầu kéo dài khoảng 10 phút, mất cân bằng, thường xuyên té ngã, không dung nạp chuyển động, chuyển động mắt bất thường, khó điều hướng trong bóng tối hoặc trên các bề mặt không bằng phẳng… đều nên làm kiểm tra rối loạn tiền đình. Các kiểm tra chức năng tiền đình bao gồm :
Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống để xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch
Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não để tìm các tổn thương như u góc cầu tiểu não, TBMM não
Đo chức năng tiền đình bằng ảnh động nhãn đồ (VNG).
Rối loạn tiền đình có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Những triệu chứng của bệnh có thể gây ra rất nhiều hệ luỵ ảnh hưởng tới khả năng vận động, nhận thức, làm chậm quá trình phát triển và khiến trẻ học tập kém. Do đó, các phụ huynh cần chú ý tới các biểu hiện của trẻ và đưa con đến bệnh viện thăm khám nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, giúp trẻ phục hồi chức năng tiền đình để ổn định tâm lý và khả năng học tập.