Nhiều nơi ở Hà Nội như một đại công trường
Sáng 3/1, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí do hệ thống theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận. Các hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu – rất có hại cho sức khoẻ con người).
Một màu tím tiếp tục bao trùm toàn bộ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đây là ngưỡng ô nhiễm rất nghiêm trọng với khuyến cáo mọi người nên hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời, cần đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài, rửa mắt, mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội mù mịt vì khói bụi, chất lượng không khí rất thấp. |
Vào lúc 7h30 phút sáng ngày 4/1, Hà Nội tiếp tục là thành phố có chat lượng không khí rất xấu, một số điểm cảnh báo ngưỡng màu nâu - mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe như ở Tây Hồ có chỉ số AQI là 358, hàng loạt các điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm đều trên 200 theo mạng lưới theo dõi chất lượng không khí AQAir.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, theo các chuyên gia là do giao thông và xây dựng. Cuối năm thường là dịp mà các công trường ở Hà Nội tăng tốc để về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, do không che chắn cẩn thận và tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, những công trường này đang tạo ra một lượng bụi rất lớn, gây ô nhiễm không khí trầm trọng cho Thủ đô.
Dù nhà không ở gần đường nhưng khoảng 2 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (Mễ Trì, Hà Nội) thường xuyên chịu cảnh bụi mù mịt. Xung quanh nhà bà, rất nhiều công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thành tiến độ để xong trước Tết. Việc xây dựng được thực hiện cả ngày lẫn đêm, bụi mù mịt vào nhà.
"Ngày nào tôi cũng lau nhà đến vài lần mà bụi vẫn phủ khắp các đồ đạc trong phòng. Nhiều hôm bụi bặm đến khó thở, xem tivi thấy báo ô nhiễm không khí thì thấy đúng là ở khu vực nhà mình rất khó chịu. Nhiều tháng nay, các thành viên trong gia đình bị ho dai dẳng, uống đủ các loại thuốc mà không khỏi", bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.
Tháng 11/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính phân cấp. Tuy nhiên, dường như việc phun nước rửa đường này chưa được thực hiện thường xuyên như chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời.
Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng và các chuyên gia chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
"Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh", TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Ô nhiễm không khí sẽ cải thiện khi có mưa
Theo TS Hoàng Dương Tùng, ở Việt Nam ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.
Ngoài ô nhiễm không khí bên ngoài, ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn đối với 3 tỷ người, những người nấu ăn và sưởi ấm gia đình bằng nhiên liệu sinh khối và than đá. Khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm có thể quy cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại hộ gia đình trong năm 2016. Hầu hết các gánh nặng bệnh tật này đặt vào các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí tại hộ gia đình cũng là một nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí bên ngoài ở cả khu vực đô thị và nông thôn.
Hà Nội và các đô thị đang trong quá trình phát triển với việc xây dựng mới và cải tạo hệ thống hạ tầng, rất dễ bắt gặp đường sá bụi bặm, công trình không được che chắn, cát sỏi vứt bừa bãi, đây cũng là một nguyên nhân.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong nhiều năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn, triển khai đồng bộ để cải thiện chất lượng không khí.
Trong đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường không khí tại một số đô thị lớn trên cả nước. Hiện hệ thống này đang trong giai đoạn hoàn thiện vận hành thử nghiệm, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ công bố thông tin về dự báo chất lượng không khí ngắn hạn sau khi hệ thống đi vào vận hành chính thức.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn địa phương tổng hợp dữ liệu về nguồn thải, hiện trạng ô nhiễm, các giải pháp. Tăng cường giám sát chất lượng không khí và nguồn thải như tăng cường lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc không khí cố định và di động, cung cấp dữ liệu thời gian thực về chất lượng không khí.
Đồng thời kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông như đầu tư thêm vào các tuyến xe buýt điện, tàu điện trên cao nhằm giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân như tại Hà Nội...
Các chuyên gia khuyến nghị tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như miền Bắc sẽ tiếp diễn. Người dân cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời, khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nhóm người nhạy cảm, có tiền sử bệnh hô hấp nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.