Tại Hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, số ca hiến tạng từ người chết não chiếm 13% tổng số ca ghép tạng trong nước. Nhờ sự gia tăng này, ngành y tế đã thực hiện thành công nhiều ca ghép phức tạp như ghép tim-gan đồng thời, ghép khí quản từ người cho chết não - kỹ thuật hiếm gặp trên thế giới, và 3 ca ghép phổi trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi tại Việt Nam lên 12 ca kể từ năm 2017.
Ngoài ra, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người được thành lập tại cả cơ sở y tế công lập và tư nhân, góp phần tăng đáng kể số người đăng ký hiến tạng. Những nỗ lực này đã giúp ghép tạng trở thành một trong những sự kiện y học tiêu biểu của Việt Nam năm qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức. Hiện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho các hoạt động tư vấn, vận động hiến mô, tạng. Chỉ một số ít bệnh viện có tổ tư vấn do thiếu chế độ đãi ngộ phù hợp. Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến ghép tạng chưa được thống nhất, gây khó khăn cho các bệnh viện trong quá trình thực hiện.
Bộ Y tế đang từng bước hoàn thiện chính sách, bao gồm cập nhật hướng dẫn chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật và xây dựng cơ chế thanh toán hợp lý nhằm đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đang đề xuất một ngày kỷ niệm “Ngày Hiến mô tạng Quốc gia” để tri ân những người đã hiến tặng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Mỗi hành động hiến tạng là minh chứng cho lòng nhân ái và tình yêu thương. Những người hiến tạng và gia đình họ đã mang lại hy vọng sống cho biết bao bệnh nhân, tạo nên những kỳ tích giữa đời thường.”
Trong tương lai, ngành y tế đặt mục tiêu đưa Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực về kỹ thuật và tỷ lệ hiến ghép tạng, góp phần cứu sống nhiều cuộc đời hơn nữa.