Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội vừa phối hợp Công an TP Hà Nội thu giữ trên 13 tấn thực phẩm là xúc xích, thịt bò khô và bánh kẹo do chủ hàng gom mua từ biên giới, đưa về Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đã chảy nước.

Thủ đoạn tinh vi

Cũng tại Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện trên 10 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.

Ở các địa phương khác, tình hình hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Long An, lực lượng chức năng vừa tạm giữ trên 2.000 sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Thanh Hóa phát hiện gần 1,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, quá hạn sử dụng phục vụ Tết Ất Tỵ 2025…

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến Sào Khánh Hòa, cho hay nhu cầu sử dụng các sản phẩm nước yến để làm quà tặng dịp Tết tăng cao, theo đó hàng giả cũng hoành hành. "Chúng tôi đã phối hợp cơ quan chức năng phát hiện nhưng bắt vụ việc này lại mọc ra vụ khác" - ông Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, thị trường xuất hiện hàng trăm thương hiệu nước yến quảng cáo có nguồn gốc từ yến Khánh Hòa nhưng thực tế thì khó kiểm chứng. "Dịp cuối năm, chúng tôi vừa phối hợp cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ hơn 93.000 lọ yến ở Hà Nội, sau khi kiểm tra thì phát hiện thêm 5 kg tem nhãn để lúc đối tượng đưa hàng đi tiêu thụ mới dán vào" - ông Thắng phân tích thủ đoạn. Vì vậy, đại diện Công ty Yến Sào Khánh Hòa cho hay bên cạnh việc triển khai mã QR để phân biệt hàng thật - giả, doanh nghiệp đang xây dựng chỉ dẫn địa lý yến sào Khánh Hòa để ngăn chặn hành vi làm giả.

 Cơ quan Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra mặt hàng rượu ngoại tại một cửa hàng ở quận 1, TP HCM. Ảnh:Long Giang

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều đường dây làm giả nhãn hiệu, bắt nhiều vụ trong năm 2024 song thực trạng giống "bắt cóc bỏ dĩa" - bắt vụ này rồi thì vụ khác mọc lên. Bộ Công Thương có nhiều đề án, chương trình ngăn chặn nhưng thực tế hàng giả, hàng nhái vẫn còn.

Kiểm soát trên kênh online

Để kiểm soát hiệu quả, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội, đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật tránh quy định chồng chéo, gây mâu thuẫn trong chế tài xử lý, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.

Đáng chú ý, theo ông Chu Xuân Kiên, cần có quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử và chế tài gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của website bán hàng online nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua chuyển phát nhanh. Các hộ kinh doanh bằng hình thức online tại nhà cũng cần đăng ký kinh doanh để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt, xử lý mà không vi phạm về Luật Nhà ở.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau khi Tổng cục QLTT kết thúc nhiệm vụ, lúc này Bộ Công Thương chỉ còn nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng chính sách pháp luật trong tổ chức triển khai chống hàng giả, do vậy cần lực lượng nòng cốt ở địa phương trong việc chống hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh hiệu quả phối hợp liên ngành trong việc truy quét hàng giả, xuyên suốt từ khâu nhập, sản xuất, lưu thông trên nhiều khu vực, tuyến đường; gắn trách nhiệm rõ người, rõ việc.

Ông Naito Yasuaki - Giám đốc Ban Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - thông tin các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã tăng cường trao đổi với cơ quan chức năng Việt Nam để tìm hướng giải quyết, ngăn chặn hàng giả.

Theo ông Naito Yasuaki, Việt Nam cần tăng cường xử phạt các hành vi làm giả những mặt hàng gây hại trực tiếp tới sức khỏe người dùng như mỹ phẩm, thuốc… Nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hàng giả ở các địa phương. Các công ty của Nhật Bản đang theo dõi hoạt động lưu thông hàng hóa để phát hiện các hành vi vi phạm, nhạy bén trong việc phát hiện thủ đoạn mới để phối hợp với chính quyền địa phương của Việt nam nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Quan trọng hơn, cần truyền thông cho người tiêu dùng về kỹ năng phân biệt và ảnh hưởng của hàng giả.

TP HCM tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả

Mới đây, Cục QLTT TP HCM kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Bình Tân, phát hiện 1.209 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đóng gói sẵn (chân gà ngâm, thịt bò xé, cải cay, miến khoai lang, tàu hũ cá cay, sườn xé...) không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng; phát hiện Công ty TNHH T.H. trên địa bàn huyện Hóc Môn chào bán hóa mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội Zalo. Công ty trên đang trữ và kinh doanh nhiều thùng hóa mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức sản xuất...

Lãnh đạo Cục QLTT TP HCM cho biết đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng buông lỏng. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, Cục QLTT tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Hà Lam