Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà như thế nào?

Trẻ bị viêm phổi có thể chăm sóc tại nhà sau khi cha mẹ đã đưa trẻ đi khám và có sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn bác sĩ, kỹ năng chăm sóc bệnh nhi viêm phổi của cha mẹ là rất quan trọng.

Cha mẹ cần nắm vững nguyên tắc hạ sốt cho trẻ: Hạ sốt phụ thuộc vào nhiệt độ của trẻ. Chỉ hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C và sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp theo cân nặng. Paracetamol thường được khuyến cáo với liều lượng 10-15mg/kg, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, tối đa không quá 4 lần trong ngày. Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, cha mẹ lưu ý cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và lau người hoặc chườm bằng khăn ấm, tập trung vào các vùng như nách và bẹn. Đồng thời, khuyến khích trẻ uống nhiều nước để bù nước.

Kỹ thuật vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm: Khi trẻ ho có đờm, cha mẹ có thể vỗ lưng giữa 2 xương bả vai giúp trẻ long đờm, thở dễ dàng hơn. Kỹ thuật vỗ lưng là vỗ từ vùng phổi, sau đó di chuyển dần lên trên để dẫn lưu đờm di chuyển từ dưới lên họng.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ho đúng cách: Ho là một phản xạ tự nhiên, có tác dụng hỗ trợ làm thông thoáng đường hô hấp. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ ngồi thẳng, đầu hơi ngả nhẹ về phía trước, hít vào sâu, mở miệng và dùng cơ bụng để ho mạnh. Sau đó, hít vào lần nữa, tiếp tục ho sâu và cố gắng khạc đờm ra ngoài.

Cha mẹ cần biết cách vệ sinh đường thở cho trẻ: Vệ sinh mũi và họng sẽ giúp giảm lượng dịch nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mũi hoặc xịt mũi phù hợp để làm sạch, sau đó dùng khăn sạch thấm nhẹ vùng mũi và miệng.

Tuân thủ việc dùng thuốc theo đơn bác sĩ về liều lượng, thời gian và số lần theo chỉ định: Lưu ý, nếu tình trạng không cải thiện sau 2 ngày điều trị hoặc trẻ bị khó thở, thở nhanh… cha mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ để có phương án xử trí phù hợp. Nếu tình trạng bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm như thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cơ thể tím tái… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị tích cực hơn.

Chú ý chế độ ăn cho trẻ: Hãy cho con ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn trong ngày để hạn chế tình trạng nôn trớ. Đồng thời, khuyến khích trẻ uống nhiều nước để bù nước và làm loãng dịch nhầy, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.

Trẻ bị viêm phổi có được tắm không?

Theo BS. Phạm Thái Anh (Bệnh viện Bắc Thăng Long), trong một số điều kiện nhất định, trẻ bị viêm phổi hoàn toàn có thể tắm mà không làm tình trạng của trẻ xấu đi.

Sau khi tắm xong cho trẻ, cần lau khô và ủ ấm ngay bằng khăn mềm và sạch.

Nếu trẻ bị viêm phổi nhưng không sốt cao thì việc tắm cho trẻ như bình thường là an toàn. Việc tắm nước ấm khiến trẻ được thoải mái, giảm bớt sự khó chịu do căn bệnh gây ra, hỗ trợ tinh thần trẻ tốt hơn, có lợi trong việc điều trị bệnh. Ngoài ra, cơ thể sạch sẽ cũng chính là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa việc nhiễm thêm virus và vi khuẩn.

Tuy nhiên, việc tắm cho trẻ khi đang bị viêm phổi cũng cần phải lưu ý hơn so với trẻ đang khỏe mạnh.

Trước khi tắm, cha mẹ cần theo dõi kỹ nhiệt độ của con. Không tắm khi trẻ đang sốt cao.

Nước tắm cho trẻ nhất thiết phải là nước ấm. Nước ấm có thể mang lại tác dụng làm dịu và giúp thư giãn cơ thể của trẻ.

Nguyên tắc là tắm nhanh. Trẻ đang bị viêm phổi thì tắm chỉ để làm sạch cơ thể chứ không nên kéo dài với mục đích thư giãn bởi điều này không phù hợp với cơ thể đang lúc nhạy cảm của trẻ và có thể gây áp lực với hệ hô hấp đang ‘bị thương’. Ngoài ra, chỉ nên hạn chế tắm 1 - 2 lần/tuần. Những ngày còn lại, cha mẹ có thể vò khăn với nước ấm để nhẹ nhàng lau mặt, cổ, tay và những vùng da nhạy cảm, giúp trẻ bớt khó chịu mà vẫn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Sau khi tắm xong cho trẻ, cần lau khô và ủ ấm ngay bằng khăn mềm và sạch. Sau đó mặc luôn quần áo sạch để giữ ấm cho trẻ.

pv