Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, khách mời tham dự hội nghị.
 

Sáng 15/01, tại Hà Nội, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025TS. Ngô Sách Thực - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; các ông bà trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các cơ quan, đơn vị trực thuộc  Hội ; cùng đại diện các Giám đốc Trung tâm, một số Bệnh viện, các nhà cứu trợ - chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật của các tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước.

 TS. Ngô Sách Thực - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam điều hành Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Thị Huệ - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, thay mặt Ban Chấp hành đã trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ 2025.

 Bà Đỗ Thị Huệ - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết.

Báo cáo nêu rõ: Năm 2024 có nhiều sự kiện lớn của đất nước tác động tích cực đến thực hiện nhiệm vụ của các hội xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành công rất tốt đẹp, thể hiện khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Các sự kiện đó cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội.

Cán bộ, hội viên, các cơ sở của Hội đều là những người có tấm lòng yêu trẻ, có kiến thức, kinh nghiệm trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật, nhiều năm phục vụ các cháu trên tinh thần tự nguyện, không hưởng kinh phí của ngân sách Nhà nước. Hội không tổ chức theo cấp hành chính nên việc chỉ đạo công tác không qua tầng nấc trung gian mà trực tiếp đến chi hội, hội viên và đối tượng phục vụ là các cháu khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các quý đại biểu, khách mời, đại diện các đơn vị, trung tâm, hội viên, cán bộ, nhân viên, phóng viên tham dự hội nghị. 

Nhìn lại năm 2024 là một năm đầy biến động, nhất là trên thế giới diễn ra nhiều bất ổn địa chính trị, chiến tranh, xung đột vũ trang diễn ra ở nhiều nơi… Ở trong nước thì ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào miền Bắc nước ta, đã gây ra nhiều thiệt hại, mất mát rất lớn cho nhiều địa phương; và từ đó các trung tâm, nhà cứu trợ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ khuyết tât…

Vượt qua khó khăn đó, Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã nỗ lực đạt được nhiều thành quả, năm sau cao hơn năm trước. Số Hội viên tham gia Hội ngày càng được tăng lên, trải dài khắp mọi miền đất nước. Tổng số tiền vận động quyên góp lên tới hơn 26 tỷ đồng.

 Các nội dung chuyên sâu về chính sách chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người khó khăn trên Tạp chí Sức khỏe Trẻ em - Cơ quan ngôn luận của Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đinh Thị Thụy - Phó CVP UBQG về Người khuyết tật Việt Nam, nhấn mạnh và bày tỏ ghi nhận: Trong năm 2024 vừa qua, những kết quả đạt được trong công tác và các hoạt động của Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam là rất nỗ lực và đáng trân trọng. Trong hoàn cảnh có những thay đổi và kinh tế khó khăn, tác động ảnh hưởng của thiên tai – mưa bão, nhân lực còn hạn chế… Nhưng Ban Thường vụ Hội và tập thể cán bộ, các đơn vị, trung tâm, hội viên của Hội đã cùng đồng lòng thực hiện rất trách nhiệm, các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em và người khuyết tật, hỗ trợ cho cộng đồng mang nhiều giá trị nhân văn và có hiệu quả, kết quả rất tốt.

Bà Đinh Thị Thụy - Phó CVP UBQG về Người khuyết tật Việt Nam, phát biểu chia sẻ tại hội nghị. 

Qua đó, bước sang năm 2025, rất hy vọng và chúc cho tập thể Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, cùng các đơn vị trực thuộc, các trung tâm, hội viên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, triển khai thật tốt các nhiệm vụ, các hoạt động vận động, hỗ trợ - cứu trợ cho trẻ em, người khuyết tật và người yếu thế - có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền cả nước.

TS. Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và các vị khách mời, người khuyết tật chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm và mô hình trợ giúp người khuyết tật hiệu quả. Thạc sỹ. Lương Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp và can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (tỉnh Yên Bái), chia sẻ: “Theo thống kế của Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trình độ học vấn của người khuyết tật rất thấp. Tỉnh Yên Bái của chúng tôi hiện nay có khoảng hơn 4.155 trẻ em khuyết tật, còn gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi...”.

Nhưng người khuyết tật đã trưởng thành để có thể tham gia vào các hoạt động của cơ quan Nhà nước và trong khối doanh nghiệp được đóng bảo hiểm chưa nhiều. Và trong số 4.155 trẻ em khuyết tật của tỉnh Yên Bái sau này trưởng thành sẽ được đi học ở trình độ cao hơn và được nhận đi làm các công việc để được đóng bảo hiểm cũng thật sự khó khăn.

 Thạc sỹ. Lương Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp và can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (tỉnh Yên Bái), chia sẻ.

Cho tới nay (cuối 2024 đầu 2025), Trung tâm đã hỗ trợ hướng nghiệp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 14 tuổi trở lên. Mới đây, Trung tâm đã phối hợp cùng Trung ương Hội biên soạn cuốn sổ tay “Công tác cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam”.

Thạc sĩ. Hà Thị Như Quỳnh - Giám đốc Trung tâm can thiệp tư vấn tâm lý – giáo dục CHIC (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân Tôi cũng là người bị khuyết tật một mắt, nhưng không vì thế mà tự ti, bởi trong trái tim xuất phát tình cảm nhân ái và lòng yêu thương dành cho các em nhỏ, các trẻ em bị khuyết tật, hay các em bị chậm phát triển... Tại Trung tâm, chúng tôi không chỉ dạy kiến thức, mà còn là người bạn đồng hành, giúp các em khai phá tiềm năng, nuôi dưỡng ước mơ và cho các em cơ hội thể hiện chỉnh mình".

"Tôi không thể đếm hết những lần mình cảm thấy nghẹn ngào khi chứng kiến các con vượt qua được chính mình. Tôi nhớ một em bé, khi mới đến trung tâm, con không nhin ai, không thể nói chuyện, không giao tiếp với cô và các bạn, con thích ngồi vào góc không có ánh sáng. Vậy mà chỉ sau một thời gian can thiệp, con đã dám đứng lên trước lớp, tự tin giới thiệu bản thân và trình bày bài học một cách mạch lạc.

Thạc sĩ. Hà Thị Như Quỳnh - Giám đốc Trung tâm can thiệp tư vấn tâm lý – giáo dục CHIC (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ. 

Tôi nhớ mãi cảm xúc của mình khi chứng kiến các con cùng nhau hoàn thành một bài múa, hay những khoảnh khắc các em biến những chiếc lá, hạt cát thành tác phẩm nghệ thuật của riêng mình đều là những chiến thắng lớn lao đối với tôi và cả tập thể Trung tâm. Những khoảnh khắc ấy là minh chứng cho tình yêu thương và sự kiên trì mà chúng tôi dành cho các em.

Năm 2024 đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình 10 năm của Trung tâm CHIC. Mười năm qua không chỉ là thời gian, mà là biểu tượng cho nghị lực, niềm tin vào khả năng vượt qua mọi gian nan, và khát vọng không ngừng nghỉ của chúng tôi. Trung tâm CHIC đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, nơi các em không chỉ học tập mà còn được yêu thương, tôn trọng và phát huy những tiềm năng vô hạn của chính mình". - bà Hà Thị Như Quỳnh - Giám đốc Trung tâm CHIC bày tỏ.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ Đỗ Thúy Lan - Người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ, tự kỷ Sao Mai (trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam), phát biểu và bảy tỏ sự trân trọng, cảm ơn tới lãnh đạo Ban Thường vụ Và Ban Chấp hành Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong năm 2024 đã hết sức quan tâm, chỉ đạo kịp thời.

 Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ Đỗ Thúy Lan - Người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Sao Mai, phát biểu chia sẻ.

Và thời gian qua, lãnh đạo Trung ương Hội và các cán bộ, nhân viên, phóng viên Tạp chí Sức khỏe Trẻ em luôn quan tâm, nhiệt tình phối hợp với các đơn vị, trung tâm, hội viên, cùng nỗ lực thực hiện triển khai rất tốt, lan tỏa thông tin nhân ái, các chương trình hỗ trợ, chăm sóc, dạy nghề và phát triển tâm lý - sức khỏe cho rất nhiều cháu trẻ em - người khuyết tật, trẻ bị chậm phát triển, công tác vận động nguồn lực xã hội...

Tại phần thảo luận, các đại biểu khác cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm và mô hình trợ giúp người khuyết tật. 

Tại hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Hội đã trao Quyết định thành lâp cho 5 đơn vị mới. Cụ thể, 5 đơn vị nhận Quyết định thành lập mới là: 1. Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm trẻ đặc biệt Doreamon (Kiên Giang), 2. Trung tâm Thăng Long (Thái Bình), 3. Trung tâm can thiệp sớm và phát triển ngôn ngữ Hoa Nụ Cười (Hồ Chí Minh), 4. Trung tâm can thiệp sớm Happiness (Hà Nội), 5. Trung tâm can thiệp và hỗ trợ phát triển kỹ năng Ánh Mây (Đắk Lắk),

 TS. Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam và bà Đỗ Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội  trao Quyết định cho các trung tâm mới thành lập.

Đồng thời, cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã trao Bằng khen tặng cho 10 tập thể và 24 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật năm 2024.

 

TS. Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe Trẻ em (thứ 2, bên phải vào)- là một trong 10 đơn vị tập thể) nhận được Bằng khen tập thể có thành tích đóng góp. 
TS. Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao Bằng khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật năm 2024. 

Phát biểu kết luận Hội nghị , TS. Ngô Sách Thực – Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam nhấn mạnh: “Trên cơ sở tổng kết những kết quả đã đạt được năm 2024 đã qua, các đại biểu có mặt hôm nay đã đồng thuận thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Chủ tịch Hội Ngô Sách Thực đề nghị: Phát huy những kết quả đã đạt được, ngay từ những tháng đầu năm 2025, tất cả các thành viên, các đơn vị, trung tâm trực thuộc, các hội viên, cần nỗ lực thi đua, tập trung vào ba khâu đột phá. Một là, xây dựng, để phát triển Hội thật vững mạnh, hiệu quả. Hai là,  nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ , kỹ năng chăm sóc, chữa trị , giáo dục, dạy nghề cho trẻ khuyết tật . Ba là, vận động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho trẻ em – người khuyết tật, người yếu thế, tạo giá trị nhân văn tới cộng đồng”.

TS. Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu bế mạc hội nghị
Lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và các đại biểu, khách mời, đơn vị - trung tâm trực thuộc, các cán bộ, hội viên, nhân viên chụp ảnh lưu niệm.

TS. Ngô Sách Thực – Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, cũng nêu rõ, đề nghị các đơn vị, trung tâm trực thuộc, các hội viên nâng cao tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản của Hội trong năm 2025, cụ thể như sau:

1. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, cộng đồng đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

2. Tổ chức chương trình Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ X năm 2025 – chương trình là hoạt động thường niên của Hội tổ chức vào đầu năm học mang cơ hội đi học cho trẻ em khuyết tật.

3. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các hoạt động chào mừng kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước năm 2025.

4. Về công tác Hội viên, Trung ương Hội tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên trong toàn Hội. Tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ của Hội, về trẻ em khuyết tật và phương pháp đề phòng, phát hiện sớm để xử trí sớm giúp trẻ em khuyết tật phục hồi chức năng.

5. Phát triển hội viên, xây dựng tổ chức cơ sở Hội được chú trọng và quan tâm. Trung ương Hội tiếp tục lan tỏa sâu rộng, đến các vùng trong cả nước, chú trọng đến Bắc miền Trung, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên,... những nơi chưa có cơ sở của Hội. Phấn đấu mỗi vùng có cơ sở là trung tâm của Hội, theo mô hình xã hội hóa, làm tốt 4 nhiệm vụ: chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Đại Lộc - Hà Lam