Đánh giá tổng kết Giải thưởng hàng năm và Giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Năm nay, Ban Sáng tác của Hội đã nhận được 208 tác phẩm gửi tới đề cử tham dự xét giải thưởng, trong đó có 71 tác phẩm văn xuôi, 85 tác phẩm thơ, 15 công trình Lý luận phê bình, 12 tác phẩm dịch và 25 tác phẩm văn học thiếu nhi. Qua hai vòng, Sơ khảo và Chung khảo, kết quả có 7 tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn 2024.

Trong đó, ở thể loại văn xuôi, lần đầu tiên, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao giải Đặc biệt cho nhà văn Y Ban với tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời”. Đánh giá về tập truyện “Trên đỉnh giời” của nhà văn Y Ban, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch khẳng định, đây là "tập truyện ngắn xuất sắc nhất mà chúng ta có thể chờ đợi ở văn chương Việt Nam hiện nay. Tập truyện thể hiện một nỗ lực cảm động và đáng kính trọng của một nhà văn trong nghề nghiệp, khi cố gắng lớn nhất của bà là vượt qua chính mình... Nhà văn Y Ban tìm kiếm những chiều kích khác nhau của đời sống, tạo nên những tình huống hiểm nghèo để bộc lộ những vấn đề khủng khiếp của nhân sinh và đi đến tận cùng cái phức tạp của con người”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu. 

Thể loại Lý luận phê bình, được trao cho công trình “Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975: Tiếp nhận và ứng dụng” của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh. Theo nhà phê bình Võ Quốc Việt thì đây là công trình “không chỉ khảo sát bề rộng của thực tiễn văn học miền Nam 1954-1975 mà còn chạm đến những chiều sâu vi tế của từng hiện tượng văn học. Nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh đã đi sâu vào các quan niệm về thể loại, mang đến cho bạn đọc một bức tranh phong phú và đầy màu sắc của sinh hoạt văn học miền Nam, với đủ loại khuynh hướng lý luận phê bình...

Ở thể loại văn học dịch, năm nay Hội đồng Sơ khảo đã trình lên Hội đồng Chung khảo duy nhất một tác phẩm. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Chung khảo, sau khi nghe các ý kiến và qua phân tích đánh giá từ nhiều phía, cân nhắc kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh, hội đồng đã quyết định bỏ trống hạng mục văn học dịch.

Thể loại văn học thiếu nhi năm 2024 Hội đồng Chung khảo đã chọn trao giải cho tác phẩm “Chiếc xe buýt bay” của tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long. Đánh giá về tác phẩm này, Hội đồng Sơ khảo cho rằng, câu chuyện trong tác phẩm là một bài ca tình bạn của tuổi thơ trong sáng, giúp các em được bay bổng rồi lại trở về nhà để thấm thía hơn nữa tình cảm gia đình, từ đó biết yêu thương những người quanh và biết trân trọng những gì mình đã có.

 Ban tổ chức trao Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2024 cho các tác giả đạt giải.

Ở Giải thưởng Tác giả Trẻ, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết, năm 2024 có 21 tác phẩm gửi tới tham dự Giải thưởng Tác giả Trẻ, trong đó văn xuôi 11 tác phẩm và thơ 10 tác phẩm. Qua các vòng hội đồng, giải được trao cho tập truyện ngắn “Lạc đà bay” của tác giả văn Võ Đăng Khoa và tập thơ “Dưới vòm hoa đại khải” của tác giả Phùng Hương Ly. Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải Nữ nhà văn ấn tượng cho nhà thơ Đỗ Thị Tấc (Lai Châu) và nhà văn Phương Huyền (Thành phố Hồ Chí Minh).

Một tác phẩm khác được trao giải thưởng văn xuôi đợt này là tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét, đây là "một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...".

Ở thể loại thơ, năm nay Ban Chấp hành Hội đã trao giải cho 3 tác giả, đó là nhà thơ Trần Lê Khánh với tập thơ “Đồng”, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh với tập thơ “Viễn ca” và nhà thơ Đào Quốc Minh với tập thơ “Phục sinh”. Trong đó, nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng, tập thơ “Phục sinh” của Đào Quốc Minh mở ra một hành trình khám phá sâu sắc về tâm hồn con người, một cuộc hành trình nội tâm đầy ý nghĩa; Nhà phê bình Phùng Gia Thế cảm nhận tập thơ “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh là những dấn bước tự nhiên “đi qua ngày tháng cũ” của nhà thơ trên hành trình sáng tạo; Nhà thơ Thi Hoàng, thành viên Hội đồng thơ đánh giá tập thơ “Đồng” của Trần Lê Khánh bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua tập thơ “Đồng”, Trần Lê Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn hóa.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, năm 2024 có nhiều biến động, thách thức, Ban chấp hành Hội đã gắn kết cùng các hội viên, từng bước khắc phục khó khăn. Hội đã lắng nghe tâm tư, ý kiến đóng góp của các hội viên về những vấn đề đã làm được, chưa làm được, những vấn đề cần quan tâm ở tất cả mọi mặt, về công tác đối ngoại, hỗ trợ sáng tác, về giải thưởng… để có những thay đổi cho phù hợp.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bước sang năm 2025, Hội sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước và chuẩn bị tốt cho Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 11, nhiệm kỳ 2025-2030.

PV