Điểm bị ùn tắc giao thông là giao lộ Võ Chí Công - Lã Xuân Oai, trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM. Lái xe sợ vi phạm giao thông nên không dám lưu thông, tất cả dừng lại chờ đèn tín hiệu hoạt động, nên ùn tắc cả hai phía, xe cộ kéo dài vài km.

Đây không phải là sự cố đầu tiên, đã có nhiều giao lộ ở một số địa phương bị ùn tắc giao thông do đèn tín hiệu bị lỗi. Riêng ở TPHCM, do lượng xe cộ đông, nên khi có sự cố đèn tín hiệu, lập tức xảy ra ùn tắc kéo dài. Như sự cố hỏng đèn tín hiệu xảy ra ngày 10.1 tại giao lộ Quốc lộ 22 - Giáp Hải, huyện Củ Chi - TPHCM, người đi xe máy phải dắt bộ để qua ngã tư.

Khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, điều đáng ghi nhận là người dân chấp hành rất nghiêm, ít có trường hợp vi phạm vượt đèn đỏ, các giao lộ rất trật tự. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông còn lạc hậu, tổ chức giao thông chưa khoa học, nên ảnh hưởng đến việc lưu thông.

Tại TPHCM, cơ quan quản lý đã thấy được một phần nguyên nhân kẹt xe là do xe máy không được rẽ phải, nên triển khai lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu bổ sung, nhưng vẫn chưa đầy đủ các điểm trên toàn địa bàn. Chưa kể, cần nghiên cứu các giao lộ có điều kiện phù hợp, lưu thông an toàn để cho ôtô rẽ phải.

Còn một nguyên nhân gây ùn tắc là do hệ thống đèn tín hiệu giao thông không ổn định, nhiều nơi bị lỗi, khiến lái xe phải dừng chờ hướng dẫn của cảnh sát giao thông hoặc đèn được sửa chữa.

Luật được ban hành, nhưng để luật đi vào đời sống tạo ra giá trị văn minh giao thông, thì phải có nền tảng quan trọng là hạ tầng. Trước mắt, các địa phương phải hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu và biển báo giao thông, không để xảy ra lỗi, không che chắn tầm nhìn của lái xe.

Người dân cho rằng, nếu lái xe có hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng, vậy khi đèn tín hiệu bị lỗi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và có bị xử phạt hay không?

Chính quyền các địa phương phải có quy định cụ thể, nếu đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, đơn vị quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu phải bị xử phạt.

Chuyện gì xảy ra, người dân cũng gánh chịu thì không công bằng.

Lê Thanh Phong (báo Lao động