Giám đốc Thu Hà (bên phải) cùng với bức tranh Hương Sắc Việt và tác giả Nguyễn Thị Nhung là người khiếm thính. (Ảnh: Trung tâm Hương Giang). |
Độc đáo tranh và hoa
Cầm trên tay bức tranh phong cảnh vùng cao, màu sắc hài hòa, sống động, cô Lương Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (P. Nguyễn Thái Học, Tp. Yên Bái), cho biết, loại tranh này được gọi là Tranh mộc – ‘Mộc’ trong ‘mộc mạc, đơn giản, đơn sơ’ như chính các hoa liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương như quả thông, bẹ ngô, vỏ vừng, quả é,... để làm ra chúng. Các bức tranh thường khắc họa phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống, sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc. Đây là chủ đề rất gần gũi nhưng trong những bức tranh mộc vẫn toát lên sự mới lạ và độc đáo, thu hút sự quan tâm của người xem. Đặc biệt, các bức tranh đều do học sinh khuyết tật của chính trung tâm sáng tạo ra.
Cũng sử dụng chính những hoa liệu này, với đôi bàn tay khéo léo, cần cù và nhẫn nại, cũng dưới sự chỉ dạy tận tâm của các cô giáo, các cô cậu bé khuyết tật còn làm ra các loại hoa mộc như các cành hoa sen, hoa đào, hoa cúc, hoa tuy lip, hoa hướng dương, hoa hồng,... Những bông hoa đủ sắc màu rực rỡ không không khác gì hoa thật nhưng bền hơn, thân thiện với môi trường, rất thích hợp làm quà tặng và trang trí nội thất.
Tháng 7/2024, hai sản phẩm này đã được UBND thành phố Yên Bái cấp chứng nhận OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) 3 sao cấp thành phố, Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bộ sưu tập tranh thiên nhiên và con người làm từ quả thông.
Học là vui chơi, vui chơi cũng là học (Ảnh: Trung tâm Hương Giang). |
Tháng 10/2024 vừa qua, trung tâm đã vinh dự cung cấp 1.100 bức tranh mộc làm quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X. Tại triển lãm mỹ thuật ở Singapore, bức “Hương Sắc Việt” khắc họa hình ảnh cô gái Việt Nam trong tà áo dài trắng truyền thống thanh lịch, dịu dàng và thuần khiết của tác giả Nguyễn Thị Nhung (35 tuổi, khuyết tật câm điếc) và bức “Hồn Núi Tây Bắc” với những cô gái dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống ngồi bên những mái nhà đơn sơ giữa cánh đồng bậc thang của tác giả Lưu Hương Giang (14 tuổi, khuyết tật nghe nói) đã được bán với giá tương đương 5 triệu đồng/bức. Em Giang từng có bức ‘Bác Hồ trong trái tim thiếu nhi Yên Bái’ đạt đạt giải ba cấp tỉnh và được Công ty sữa Natrumax mua đấu giá 25 triệu đồng để ủng hộ sữa cho trẻ vùng cao,...
Sản phẩm của trung tâm còn được nhiều cơ quan nhà nước, sứ quán nước tại Việt Nam và kiều bào mua làm quà lưu niệm hay tặng cho đối tác và bạn bè. Họ rất trân trọng và tự hào về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ này vì hiểu rằng khi mua chúng là họ đã mang lại niềm vui, tạo thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật.
Sẽ đồng hành suốt đời với các học trò
Thực tế cho thấy, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm dù ở cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp vì đa phần các em bị hạn chế về giao tiếp, khả năng làm việc và tư duy so với người bình thường. Doanh nghiệp khi tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc thì vẫn chưa được hỗ trợ nhiều về chế độ chính sách, đơn cử như về BHYT, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được nhà nước hỗ trợ 100%, người khuyết tật nhẹ được miễn 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải đóng BHYT cho họ. Người khuyết tật thường tạo ra hiệu quả lao động thấp nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả mọi chế độ cho họ giống như người bình thường. Do vậy, doanh nghiệp thường không mặn mà với việc tiếp nhận người khuyết tật.
Các con đang làm tranh mộc từ quả thông, bẹ ngô, quả é,... – công việc tạo ra niềm vui, kỹ năng giao tiếp và tư duy. |
Vợ chồng anh chị Linh - VCBA (thứ 2 và 3 bên phải), Việt kiều Canada, đến thăm Trung tâm Hương Giang đã tặng các con 10 buổi học vẽ nâng cao cùng hoạ sỹ Trường Quỳnh (ngoài cùng bên trái), Việt kiều Mỹ (Ảnh: Trung tâm Hương Giang). |
Trước tình hình đó, giám đốc Thu Hà đã manh nha ý tưởng dạy hướng nghiệp và đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật từ năm 2018 nhưng mãi đến năm 2022 thì mới thực hiện được vì phải thành lập Công ty TNHH xã hội Hương Giang để có thể xuất hóa đơn bán hàng cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng sản phẩm, đồng thời có thể dùng doanh thu để trả lương cho người lao động và tái đầu tư, mở rộng sản xuất. “Chúng tôi mong muốn đồng hành với người khuyết tật từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành, nghĩa là vừa dạy nghề và vừa tạo công ăn việc làm cho các cháu. Bởi vì sau 16 tuổi, tức là khi hết tuổi học can thiệp ở trung tâm, các cháu có thể lựa chọn học nghề để làm việc cho chính công ty hoặc tìm việc ở nơi khác. Khi hoàn thành các khóa đào tạo hướng nghiệp các cháu sẽ được công ty cấp chứng chỉ học nghề” – giám đốc Thu Hà cho hay.
Tại đây, trẻ khuyết tật từ 14 tuổi là bắt đầu được lựa chọn để đào tạo hướng nghiệp. Các em khiếm thính thường làm rất tốt, còn các em tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ thì chỉ làm được những việc hay công đoạn đơn giản – tức là gần như cầm tay chỉ việc nhưng qua đó các em vừa học nghề vừa học kỹ năng. Mỗi bức tranh mộc có thể do một em hay một nhóm trẻ khuyết tật thực hiện. Có bạn chuyên vẽ phong cảnh, có bạn chuyên vẽ người, có bạn chuẩn bị nguyên liệu, có bạn trang trí và hoàn thiện,...
Trong tương lai, tùy theo nhu cầu của thị trường lao động địa phương, Trung tâm và Công ty TNHH xã hội Hương Giang sẽ tính đến việc đào tạo kỹ năng và dạy nghề tương ứng cho các em. Công ty sẽ kết nối với các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của họ. Ví dụ như đào tạo nghề may, phục vụ tại nhà hàng hay khách sạn, bảo vệ, dạy kỹ năng, quy trình làm việc để khi ra trường các em có thể đi làm được ngay.