Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác trong ngày 20-1 là Trường Tiểu học Quang Trung (số 6, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt Đống Đa, Hà Nội). Ngôi trường này hiện có 813 học sinh thuộc 22 lớp. Kết thúc học kỳ I năm học 2024-2025, trường đạt được nhiều kết quả tích cực trong phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, cả 22 lớp đạt lớp xuất sắc và lớp tiên tiến. 93,7% học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học, 99,8% học sinh được đánh giá xếp loại đạt và tốt về năng lực chung và năng lực đặc thù, 99,9% học sinh được đánh giá xếp loại đạt và tốt về phẩm chất. Học sinh toàn trường tích cực tham gia các cuộc thi, giao lưu, đạt 4 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 16 Huy chươngđồng, 5 giải Khuyến khích ở các giải cấp quốc gia; đạt 1 giải Nhất; 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyếnkhích cấp thành phố; 2 giải Ba cấp quận… Đặc biệt, trường triển khai nhiều hoạt động giáo dục nghệ thuật, thể chất, giáo dục đạo đức, hoạt động ngoại khóa tích cực, tăng cường gắn kết trong tập thể giáo viên và học sinh.

Tại đây, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng dẫn đầu đã trao tặng 20 suất quà dành tặng học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.

 Trao quà tại Trường dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì. Ảnh: Mai Hoa

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến Trường dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì (số 50 ngõ Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội). Tại đây, lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội đã phối hợp Hội Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu, Khách sạn Thủy Ngư… trao 130 suất quà cho các em nhỏ khuyết tật.

Trường Dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì hiện có hơn 100 học sinh và 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Học sinh của trường là trẻ bị khiếm khuyết về cơ thể, trong đó chủ yếu là các em bị câm điếc, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ.

Xúc động tiếp nhận các món quà dành tặng học sinh và tập thể nhà trường, cô giáo Lê Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Thanh Trì cho biết, việc dạy học sinh khuyết tật khó khăn hơn nhiều so với dạy học sinh bình thường, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần của xã hội đã tạo động lực để cán bộ, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những phần quà Tết này chứa đựng tình người ấm áp, góp phần động viên, lan tỏa yêu thương, tiếp thêm nghị lực, khát vọng cho các em tiếp tục nỗ lực học tập, vượt lên trong cuộc sống.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội tiếp tục đến Chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), trao 20 suất quà tặng trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi đang được chăm sóc tại đây.

Tổng cộng, trong ngày, đoàn công tác đã trao 170 suất quà với tổng giá trị 90 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng. Ảnh: Mai Hoa 

Trao đổi với phóng viên Báo chí, Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng nhấn mạnh: Thời gian qua, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội đã vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế, duy trì các dự án truyền thống, mở rộng mối quan hệ để có được những nguồn lực mới trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật trong cộng đồng. Việc huy động nguồn lực, trao tặng quà dịp Tết Nguyên đán là hoạt động truyền thống của Hội, góp phần chia sẻ với gia đình các em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, động viên thầy trò các trường dạy trẻ khuyết tật đón năm mới ấm áp, an lành, lan tỏa sự quan tâm của cộng đồng đối với những hoàn cảnh khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

PV