Tặng Anastasia Prokopyevna Kopylova.

*********

Cô không nói gì chỉ chăm chú quan sát tôi, tôi cảm thấy như nổi da ốc, khi ánh mắt chăm chú của cô chạm vào da thịt tôi thì tất cả mọi nỗi bất hạnh và những cái vụng về thô kệch của tôi đều bộc lộ và lòi ra một cách ngu ngốc. Dĩ nhiên là cô nhìn một thằng bé gầy trơ xương và trông hoang dã ngồi dúm dó sau chiếc bàn học. Thằng bé đó mang khuôn mặt bị đánh bầm dập, ăn mặc lôi thôi lếch thếch vì thiếu bàn tay người mẹ và nó trông thật đơn độc. Nó khoác chiếc áo vét cũ, sờn rách trên đôi vai rũ xuống, cái áo vừa với vòng ngực nhưng tay áo thì ngắn cũn cỡn; cái quần màu lam nhạt dễ bắt bẩn được cắt sửa lại từ cái quần chẽn của bố, ống quần nhét vào trong giầy cao cổ và vẫn còn mang những dấu tích của trận ẩu đả hôm qua. Trước đó tôi đã thấy, cô tò mò ngắm đôi giày của tôi. Trong cả lớp chỉ duy nhất tôi là đứa nhét ống quần vào giầy. Mãi đến mùa thu năm sau, khi tôi cương quyết không mang đôi giày cao cổ này đi học, mẹ đành bán đi chiếc máy khâu là vật duy nhất đáng giá trong nhà để mua cho tôi một đôi bốt mới.

- Dẫu sao cũng không nên chơi bạc, - cô trầm ngâm nói. - Không đánh bạc thì chắc em không đủ ăn. Em xoay sở được chứ?

Còn chưa dám tin vào chiếc phao cứu mạng mà cô vừa đưa ra, tôi vội hứa:

- Thưa cô, được ạ.

Tôi nói một cách thành thật nhưng chả sao cả, có ai lấy dây buộc cái lòng thành thật của mình lại đâu mà lo với chả lắng.

Công bằng mà nói rằng, vào những ngày đó tôi rất khổ sở. Nông trường nhà tôi đã bị giao chỉ tiêu sản lượng bánh mỳ từ trước và không thấy bác Vanya chở bánh lên tỉnh nữa. Tôi biết, mẹ tôi ở nhà cũng đứng ngồi không yên vì lo cho tôi nhưng tôi cũng rất lo lắng về chuyện đó. Bao khoai tây mà bác Vanya mang lên cho tôi lần gần đây nhất bốc hơi nhanh đến độ dường như chúng dùng để nuôi gia súc.

May mà tôi tỉnh ngộ nên đã giấu bớt một ít ở trong cái nhà kho nhỏ bỏ hoang ở gần đó, và bây giờ tôi sống được là nhờ vào chỗ thực phẩm cất giấu này. Sau giờ học, tôi bí mật đến đây và lẻn vào nhà kho như một thằng ăn cắp, giấu mấy củ vào túi quần, chạy ù ra đến chỗ gò đất, tìm một cái rãnh nào đấy thuận tiện và kín đáo để nướng khoai. Tôi lúc nào cũng thèm ăn, thậm chí trong giấc ngủ tôi cũng cảm thấy ruột gan cồn cào.

Với hy vọng tìm được một bọn chơi đáo khác, tôi bắt đầu lén lút thăm dò những khu phố xung quanh, tôi đi lang thang khắp các bãi đất trống, đi theo những đứa trẻ rẽ vào các khu gò đất. Nhưng không thu được kết quả gì, mà đã cuối mùa thu và những cơn gió lạnh buốt tháng mười đã bắt đầu lùa đến.

Chỉ ở bãi đất trống cũ bọn trẻ con vẫn tiếp tục tụ tập như trước. Tôi lượn lờ cách đó không xa và nhìn thấy hòn đáo lấp lánh dưới ánh mặt trời, thằng Vadik vừa vung vẩy tay vừa ra lệnh và những thân hình quen thuộc chúi đầu vào ô tiền.

Rốt cục, tôi không chịu được và đi xuống chỗ bọn chúng. Tôi biết, tôi đi đến chỗ mà mình bị coi khinh, nhưng không kém phần nhục nhã là một lần và mãi mãi phải cam chịu với việc mình đã bị chúng đánh đập và xua đuổi. Tôi ngứa ngáy muốn xem thái độ của thằng Vadik và Ptakha khi tôi xuất hiện và khả năng chịu đựng của mình. Nhưng mạnh hơn tất cả là cái đói xua tôi đi đến đó. Tôi cần một rúp, không phải để mua sữa mà mua bánh mì. Ngoài việc kiếm tiền bằng cách này, tôi chẳng còn biết cách nào khác.

Tôi lại gần bọn chúng, tất cả dừng chơi và nhìn tôi chằm chằm. Thằng Ptakha đội mũ trùm kín tai, mặc áo ca rô cộc tay bỏ ngoài quần đang ngồi nhởn nhơ, vênh váo; thằng Vadik mặc áo khoác dày đẹp có khóa kéo. Gần đấy, những chiếc áo len dài tay và áo măng tô bị ném thành một đống, trên đó là một thằng bé con chừng 5-6 tuổi ngồi co ro vì gió lạnh.

Thằng Ptakha hỏi tôi đầu tiên:

- Đến làm gì? Lâu nay chưa ăn đòn hả?

- Thích chơi thì đến, - tôi trả lời một cách bình thản nhất và liếc nhìn thằng Vadik.

- Ai bảo mày là ở đây sẽ cho mày chơi? - Ptakha vừa nói vừa văng tục.

- Không ai cả.

- Thế nào, Vadik, cho nó ăn đấm ngay hay đợi chút?

- Sao lại đối xử với người ta như thế, Ptakha? - Vadik vừa nói vừa nheo mắt nhìn tôi. - Hiểu rồi. Người ta đến để chơi mà. Có lẽ, nó muốn ăn của tao với mày mỗi thằng mười rúp.

- Chúng mày làm gì có tới mười rúp, - tôi nói ra vẻ mình không phải đồ hèn.

- Chúng ta có nhiều hơn mày mơ tưởng. Xuống tiền đi, không nhiều lời, không thì thằng Ptakha lên cơn điên đấy. Nó là người nóng nảy mà.

- Tẩn nó chứ, Vadik?

- Không cần, cứ cho nó chơi. - Vadik nháy mắt với bọn trẻ. - Thằng này chơi hay lắm, chúng mình không xứng lau gót giày cho nó đâu.

Bây giờ tôi khôn ra rồi và tôi hiểu, thế nào là lòng tốt của Vadik. Rõ ràng, nó đã chán ngấy cái trò chơi buồn tẻ vô vị này, vì vậy, để kích thích mấy đầu dây thần kinh của mình và cảm nhận hương vị của một cuộc chơi thực sự, nó quyết định cho tôi tham gia. Nhưng chỉ cần tôi chạm đến lòng tự ái, chúng sẽ không chào đón tôi. Nó sẽ tìm cớ để cà khịa, bên cạnh nó luôn có thằng Ptakha.

Tôi quyết định chơi thận trọng, không thèm ngó đến ô tiền. Giống như bọn trẻ cùng chơi, để không tỏ ra chơi trội, tôi vừa lăn hòn đáo vừa sợ vô tình đánh trúng các đồng xu, sau đó gõ nhẹ từng đồng xu và vừa ngó chừng xem Ptakha có lẻn ra sau lưng mình không. Những ngày đầu tôi không cho phép mình mơ đến một rúp mà chỉ chừng 20-30 cô pêch thôi, chỉ đủ mua một mẩu bánh mỳ, vậy là tốt rồi vậy là cứ đến đây chơi.

Nhưng điều sớm hay muộn phải xảy ra, dĩ nhiên, đã xảy ra. Đến ngày thứ tư, khi đã thắng được một rúp, tôi chuẩn bị ra về thì chúng lại đánh tôi. Thực vậy, nhưng lần này nhẹ hơn: tôi chỉ bị một cái môi sưng vều. Ở trường tôi liên tục phải cắn môi để che chỗ sưng. Nhưng dù tôi cố giấu, có cắn môi thế nào, cô Lydia Mikhailovna vẫn nhận ra. Cô cố tình gọi tôi lên bảng và bắt tôi đọc một bài tiếng Pháp. Có mười cái môi khỏe mạnh tôi còn chả phát âm đúng, huống hồ bây giờ tôi chỉ còn một cái lành lặn.

- Đủ rồi, ôi, đủ rồi! - cô Lydia Mikhailovna tỏ vẻ sợ hãi và xua tay về phía tôi như đuổi ma. - Thế này là thế nào?! Không được, phải dạy kèm em vậy. Không còn cách nào khác.

Thế là bắt đầu chuỗi ngày đau khổ và bất tiện đối với tôi. Từ sáng tôi đã sợ hãi chờ đến giờ phải ở lại riêng với cô Lydia Mikhailovna và phải nhắc lại theo cô đến gẫy lưỡi những từ ngữ khó phát âm do cô nghĩ ra chỉ để phạt tôi. Một âm tiết dài tròn môi được kết hợp lại từ 3 nguyên âm - cùng là "o", ví dụ trong từ "Weaisoir" (nhiều) - phải phát âm ở cổ họng để làm gì, nếu không phải là để chế nhạo tôi? Với từ preston nào đó lại phải phát âm qua mũi để làm gì, trong khi từ xa xưa cái mũi được con người dùng vào việc cần thiết khác? Để làm gì? Phải có ranh giới giữa tình và lý chứ. Tôi toát mồ hôi hột, mặt đỏ tía tai và thở hổn hển, còn cô Lydia Mikhailovna bắt cái lưỡi tội nghiệp của tôi ngọ ngoạy cho mềm ra không ngừng và không một chút thương xót. Mà tại sao chỉ mình tôi? Ở trường còn khối đứa nói tiếng Pháp chẳng khá hơn tôi là mấy, nhưng chúng lại được tự do đi chơi, làm cái mình muốn, còn tôi phải ngồi đây một mình chịu trận thay cho tất cả, như một kẻ bị nguyền rủa.

Hóa ra, đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất. Cô Lydia Mikhailovna đột nhiên quyết định rằng, thời gian đến ca học buổi chiều còn rất ít và bảo tôi cứ buổi chiều tối đến học tại căn hộ của cô. Cô sống trong khu tập thể giáo viên ở gần trường. Thầy hiệu trưởng sống ở căn hộ đối diện phòng cô.

Tôi đi đến nhà cô mà như bị đưa đi tra tấn. Chẳng cần phải vậy, bản chất tôi vốn nhút nhát, hay bị phân tâm bởi bất kỳ điều vớ vẩn nào, do vậy, lần đầu tiên ngồi trong căn hộ sạch sẽ và chỉn chu của cô, người tôi đờ đẫn như hóa đá và không dám thở mạnh. Tôi phải nói thêm rằng, để tôi cởi áo khoác ra, đi vào trong phòng và ngồi xuống, cô đã phải giục tôi như giục tà và gần như phải cậy miệng để tôi nói.

Việc học này có vẻ như chẳng giúp kết quả môn tiếng Pháp của tôi khá hơn mấy. Nhưng có điều lạ là, cô trò học ở nhà còn ít hơn là học ở trường, mặc dù ở đó còn bị phân tâm bởi việc học sinh đến học ca chiều.

Ngoài ra, cô Lydia Mikhailovna vừa tỏ ra bận bịu làm gì đó khắp nhà vừa hỏi tôi đủ thứ chuyện linh tinh hoặc kể chuyện về mình. Tôi ngờ rằng, cô cố tình bịa ra chuyện cô vào tổ tiếng Pháp chỉ vì ở trường cô không được phân công dạy môn này và cô quyết tâm chứng tỏ trình độ của mình không kém những giáo viên khác.

Ngồi trong góc phòng, tôi vừa lắng nghe cô nói vừa sốt ruột chờ đến lúc cô cho phép tôi ra về. Trong phòng cô có rất nhiều sách, trên cái tủ nhỏ cạnh cửa sổ có một cái đài radio rất đẹp và chiếc máy quay đĩa - của hiếm vào thời đó nhưng đối với tôi là một kỳ quan chưa từng thấy. Cô Lydia Mikhailovna đặt những chiếc đĩa vào máy và từ đó phát ra một giọng đàn ông êm ái dạy tiếng Pháp và đứng ở đâu cũng nghe được. Cô Lydia khoác chiếc váy mặc nhà giản dị, chân mang giày phớt mềm đi đi lại lại trong phòng, khiến tôi giật mình và lặng người đi mỗi khi đến gần tôi. Tôi không thể tin được rằng mình đang ngồi ở nhà cô, mọi thứ ở đây đối với tôi đều bất ngờ và kỳ lạ, thậm chí không khí cũng thấm đẫm những mùi hương dịu ngọt và xa lạ của một cuộc sống mà tôi chưa từng biết tới. Tôi chợt có cảm giác, dường như tôi đứng bên lề nhìn cuộc sống đó và, vì cảm thấy ngượng ngùng và vụng về, nên tôi càng co ro trong cái áo vét vừa chật vừa cộc của mình.

Cô Lydia Mikhailovna năm đó chắc chừng 25 tuổi; tôi nhớ rất rõ khuôn mặt trái xoan và không quá trẻ, đôi mắt nheo nheo vì vướng những lọn tóc lòa xòa, nụ cười chỉ nhếch môi chứ hiếm khi mở hết cỡ, mái tóc đen nhánh và cắt ngắn. Nhưng ngoài ra, không bao giờ thấy trên khuôn mặt cô một nét cứng nhắc mà, như sau này tôi để ý thấy, cùng với năm tháng gần như sẽ trở thành một dấu hiệu nhận dạng nghề nghiệp của các giáo viên, kể cả những người bản chất nhân hậu và dịu dàng nhất, tôi cảm giác hơi boăn khoăn, cảnh giác pha chút tò mò đối với chính con người cô và tôi thầm nghĩ: thật thú vị, làm thế nào mình lại ở đây và mình ở đây làm gì? Bây giờ tôi nghĩ rằng, lúc đó cô đã có chồng rồi; xét về giọng nói và dáng đi - mềm mại nhưng tự tin, thoải mái, xét về cử chỉ và lời nói thì ở cô toát ra sự bạo dạn và từng trải. Ngoài ra, tôi luôn bảo lưu quan điểm rằng, những cô gái học tiếng Pháp hay tiếng Tây ban nha đều trở thành đàn bà sớm hơn những người cùng lứa với mình học tiếng Nga hay tiếng Đức (Mới có tý tuổi đầu mà hình như đã hiểu chuyện người lớn rồi! He he. Nhưng đó là sau này nhớ lại thôi!).

 

Bây giờ thật xấu hổ khi nhớ lại, tôi đã sợ hãi và lúng túng thế nào khi cô Lydia mời tôi ăn tối cùng cô sau giờ học. Cho dù tôi có đói gấp nghìn lần thì tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào để ăn. Ngồi vào bàn cùng ăn tối với cô Lydia! Không, không! Thà đến sáng ngày mai tôi học thuộc lòng hết toàn bộ cuốn sách tiếng Pháp để không bao giờ phải đến đây nữa còn hơn. Tôi cảm thấy cổ họng như bị một mẩu bánh mỳ làm cho tắc nghẹn. Dường như, tôi không hề hoài nghi rằng, cô Lydia, cũng như tất cả chúng ta, cũng ăn loại thức ăn bình thường chứ không phải loại bột báng từ trên trời nào đó - bởi vậy, đối với tôi, cô vẫn là người bình thường, không giống như những người còn lại.

Tôi bật dậy, nói lí nhí rằng đã ăn no rồi và không muốn ăn nữa, rồi đi giật lùi ra cửa. Cô Lydia vừa ngạc nhiên vừa tức giận nhìn tôi nhưng không thể dùng sức để ngăn tôi lại. Tôi chạy về nhà. Chuyện đó lặp lại mấy lần, sao đó, cô Lydia dù hết sức thất vọng, nhưng cũng không mời tôi ăn nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Có lần, người ta bảo tôi rằng, ở dưới nhà, trong phòng thay quần áo, có một bưu kiện gửi cho tôi do một ông nào đó mang đến trường. Thì đó là bác Vanya, tài xế của nông trường nhà tôi, chứ còn là ai nữa! Chắc là nhà tôi đóng cửa và bác ấy không thể đợi đến lúc tôi tan học nên mới gửi lại ở phòng thay đồ.

Tôi sốt ruột chờ đến lúc tan học và chạy bổ xuống nhà. Dì Vera, lao công của trường, chỉ cho tôi một cái thùng gỗ nhỏ đựng bưu phẩm dựng trong góc nhà. Tôi ngạc nhiên: tại sao lại đựng trong hòm? - mẹ thường gửi đồ ăn cho tôi bằng bao tải cơ mà. Có lẽ, đây không phải gửi cho tôi. Nhưng trên nắp có ghi lớp tôi và họ tên tôi. Rõ ràng là bác Vanya đã viết để khỏi nhầm với người khác. Tại sao mẹ lại nghĩ ra việc cho đồ ăn vào hòm nhỉ?! Xem ra, mẹ đã là người trí thức từ lúc nào thế không biết!

Tôi không thể mang bưu kiện về nhà mà không biết bên trong có gì: tôi không thể kiên nhẫn chờ thêm. Rõ ràng, trong đó không phải là khoai tây. Nếu để đựng bánh mỳ thì, có lẽ, nó hơi nhỏ và không phù hợp. Ngoài ra, bánh mỳ mẹ vừa gửi lên cho tôi và ở nhà vẫn còn. Vậy trong đó có gì? Lúc đó tôi vẫn ở trường, tôi chui vào gầm cầu thang lấy chiếc rìu và dùng nó cậy nắp hòm. Dưới gầm cầu thang rất tối, tôi chui ra, vừa nhìn quanh như một thằng ăn trộm vừa đặt chiếc hòm lên bậu cửa sổ gần nhất.

Tôi nhìn vào trong bưu kiện và sửng sốt: đó là mỳ ống được đậy cẩn thận bằng một tờ giấy trắng to. Hóa ra là vậy! Những ống mỳ nhỏ dài màu vàng xếp sát nhau đều tăm tắp, dưới ánh sáng lấp lánh như báu vật quý giá hơn mọi thứ mà tôi từng biết. Bây giờ tôi đã hiểu, tại sao mẹ lại dùng hòm gỗ - để mỳ ống không bị gãy vụn ra và được bảo quản nguyên vẹn khi đến tay tôi. Tôi thận trọng lấy ra một ống mỳ, ngắm nghía, ngậm vào miệng thổi, rồi không thể nhẫn nại thêm, tôi cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Cũng tương tự như vậy, tôi nhai rau ráu thêm một ống nữa và một ống nữa. Vừa nhai tôi vừa nghĩ cách giấu cái hòm ở đâu để lũ chuột háu đói trong kho của bà chủ nhà không thể động đến được. Mẹ đã mua, đã tiêu những đồng tiền cuối cùng không phải cho chúng. Không, tôi để mất những thanh mỳ ống được mẹ mua bằng mồ hôi và nước mắt một cách đơn giản như vậy. Đây có phải là khoai tây đâu. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như tắc nghẹn. Mỳ ống... Không biết mẹ lấy đâu ra mỳ ống? Từ bé đến giờ, làng quê tôi chưa từng có, không bao giờ có thể mua được mỳ ống ở đó. Vậy bưu kiện này làm sao có được? Tôi vội vàng lục tung gói mỳ ống và tìm thấy dưới đáy hòm mấy cục đường to và hai vỉ thuốc kích thích hồng cầu. Hai vỉ thuốc này đã khẳng định một điều: bưu kiện này không phải do mẹ tôi gửi đến. Vậy, đó là ai gửi? Tôi xem lại nắp hòm: tên tôi, lớp tôi - rõ ràng, là gửi cho tôi. Thú vị thật, rất thú vị.

(Còn nữa)

Người dịch: Dương Nguyên Khải.

Valentin Rasputin (1937-2015).