Chiều 17/4, TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết chiều tối ngày 16/4 sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về việc triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng liên quan, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế Thanh Hóa, yêu cầu cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, đồng thời thu hồi triệt để các loại thuốc giả đã được đưa ra thị trường.
Chưa phát hiện thuốc giả trong hệ thống bệnh viện công lập
TS Hùng cho biết: "Theo thông tin ban đầu từ Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan chức năng, chưa ghi nhận sự hiện diện của các sản phẩm thuốc giả này tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Nguyên nhân được xác định là do các sản phẩm làm giả không đủ giấy tờ, chứng từ để tham gia vào quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện. Phần lớn các loại thuốc giả được tiêu thụ qua kênh bán lẻ và trên mạng internet".
TS Hùng cho biết thêm, hằng năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM giám sát nghiêm ngặt chất lượng thuốc lưu hành.
Mỗi năm có khoảng 38.000 - 40.000 mẫu thuốc được lấy kiểm tra xác suất, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị làm giả.
Trước đó, chiều 16/4 Công an tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả đấu tranh, phá án đường dây sản xuất thuốc giả, buôn bán thuốc giả quy mô rất lớn do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991; ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu.
Bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định có 21 loại thuốc giả là tân dược, thuốc chữa xương khớp với số lượng hàng chục ngàn hộp đã bán ra thị trường.
21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp gồm: 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion; 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hoá Sigapore); 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor's Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc Toạ cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hoá nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoát hoá toạ cốt đơn.
Thuốc giả – mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng
Bộ Y tế nhấn mạnh, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, vì vậy phải được quản lý nghiêm ngặt. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc đều phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt theo quy định của Luật Dược.
Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6 Luật Dược và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt có thể lên đến tử hình tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.