Nhân “Tháng hành động vì ATTP” năm 2025, Báo Nhân Dân triển khai nội dung ghi nhận thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc tập thể do sử dụng thực phẩm không an toàn; Chỉ rõ những hệ lụy đối với sức khỏe; những lỗ hổng trong quản lý của các cơ quan chức năng… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bài 1: Báo động ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng
Thời gian gần đây, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Điều này cho thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn trong bữa ăn học đường, trong các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh và người lao động… Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành chức năng phải có nhiều biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.936 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số mắc tăng 2.787 người, số tử vong giảm 4 người. Đáng chú ý trong năm 2024 xảy ra 31 vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trên 30 người mắc và xảy ra chủ yếu tại bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.
Riêng 3 tháng đầu năm 2025, nhiều vụ ngộ thực phẩm đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện.
Mới đây nhất, ngày 9/4, sau ăn bữa trưa tại trường, 29 học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nghi bị ngộ độc thực phẩm khi xuất hiện các triệu chứng có biểu hiện đau bụng, nôn, sốt, tiêu chảy, trong đó có một học sinh phải nhập viện.
Trước đó, sáng 8/4, sau khi ăn cơm nắm được bán tại cửa hàng bánh mì cạnh cổng trường trung học cơ sở Đội Cung (huyện Đô Lương, Nghệ An), 12 học sinh Trường tiểu học thị trấn Đô Lương bị đau bụng, buồn nôn, được đưa đến viện, nghi ngộ độc.
Ngày 6/4, 33 học sinh, giáo viên và tình nguyện viên tham gia sự kiện tại một trường đại học ở Đồng Tháp, đã bị đau bụng, nôn, tiêu chảy, nghi ngộ độc, phải đến viện. Tối cùng ngày, 33 người đều ổn định sức khỏe, ra viện, chẩn đoán ban đầu nhiễm trùng tiêu hóa/theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Trước đó ngày 28/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã yêu cầu Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường TH-THCS Tuệ Đức (cơ sở 1/5 bis đường Lương Định Của, phường An Khánh) và Trường TH-THCS Tuệ Đức (cơ sở 644 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi). Trong đó có 33 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường do cùng một công ty tại quận Tân Phú cung cấp.
![]() |
Đồ ăn ở vỉa hè không được che chắn, bảo quản dễ nhiễm bụi bẩn. (Ảnh: ĐỖ THOA) |
Sau đó 2 ngày, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục đề nghị Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì khiến 37 người nhập viện, trong đó có 33 học sinh.
Hiện nay, thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường từ các chợ dân sinh cho đến các cửa hàng trực tuyến; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối, chưa có cách giải quyết triệt để. Hầu hết các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng khó để lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm cho sức khỏe.
Vụ việc 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine hay còn gọi là “nước kẹo” (chất kích thích tăng trưởng tế bào, cấm dùng trong thực phẩm) ở Đắk Lắk chưa lắng xuống thì mới đây, công an tỉnh Nghệ An lại khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hoá chất.
Ngoài thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất, thì thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các kho hàng chứa hàng tấn thực phẩm "trôi nổi", không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Gần đây nhất, trưa ngày 21/4/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, ngăn chặn 20 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị tuồn ra thị trường tiêu thụ. Chủ nhân số hàng này khai nhận số thực phẩm trên được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nào.
Hay như những tháng gần đây, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tiếp phát hiện hàng tấn thực phẩm, đa số là nội tạng động vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn.
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Trước thực trạng hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trong thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chia sẻ: hiện nay an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, thức ăn đường phố tại Việt Nam mang lại sự tiện dụng cho người dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên, xét về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm hầu hết các món ăn đường phố đều không đảm bảo. Ngay cả một số cơ sở dù có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các đơn vị mà họ nhập nguyên liệu vẫn khó bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bản thân các cơ sở này cũng không lưu mẫu thực phẩm để kiểm định khi cần.
Chung vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng bày tỏ lo ngại khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua. Đại biểu đặt câu hỏi: Nguyên nhân do đâu? Do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật, hay việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Còn đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhận định: công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay mới chỉ được quản lý trên ngọn, chưa quản lý được từ gốc, tức là khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc.
Xuất phát từ nhiều vấn đề đặt ra cần phải khắc phục hạn chế bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay phù hợp tình hình thực tế, đại biểu Thanh Lam đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất.
![]() |
Các loại xiên que được bày bán gần cổng trường học. (Ảnh: ĐỖ THOA) |
Có thể nói, hiện nay vẫn còn không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, chất tẩy rửa để trục lợi, bất chấp các quy chuẩn về an toàn vệ sinh. Quy trình sản xuất, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến chế biến, bảo quản tại nhiều nơi chưa đạt tiêu chuẩn; môi trường sản xuất không đảm bảo, không có giấy phép hợp lệ. Mỗi khi xảy ra những sự vụ liên quan đến thực phẩm thì các cơ quan quản lý thường né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bày tỏ nỗi lo khi chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể trong trường học, chị Nguyễn Phương Nhung ở quận Ba Đình, Hà Nội – có 2 con đang học THCS bức xúc khi gần trường học có nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán đủ các loại đồ ăn như xiên que, xúc xích, thịt xiên, bánh mì… không được che chắn cẩn thận, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, người bán dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn, trông rất mất vệ sinh, dễ dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, chị Nhung mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay “dẹp” hết những quầy hàng bán thực phẩm ăn sẵn trước cổng trường học, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
![]() |
Xiên que học sinh mua gần cổng trường có giá từ 5.000-10.000 đồng. (Ảnh: ĐỖ THOA) |
Chia sẻ về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, anh Đỗ Nguyên Tuấn Anh, ở Cầu Giấy, Hà Nội nhận định: Nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm thường lấy mục đích kinh doanh, lợi nhuận là chính, không quan tâm đến sức khỏe người dùng. Cùng đó, người dân vẫn có thói quen mua thực phẩm không rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, vẫn “tiện đường, tiện mua”, dễ dãi với thực phẩm chế biến sẵn ở vỉa hè nên nguy cơ ngộ độc xảy ra là rất cao. Vì thế, người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, hạn chế tối đa mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hay thức ăn đường phố.
Nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc
Chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm tập thể, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng bếp ăn tập thể thường chế biến với số lượng lớn suất ăn, do đó nguồn nguyên liệu thường được mua để dự trữ sẵn, tiện chế biến và mua ở nhiều nơi khác nhau.
Trong quá trình dự trữ nguyên liệu nếu không bảo quản đúng cách sẽ dẫn đến hư hỏng, nhiễm khuẩn... Vì vậy, để bảo đảm an toàn trong bếp ăn tập thể thì nguồn nguyên liệu đầu vào phải có xuất xứ rõ ràng, hạn chế dự trữ nhiều, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với những nơi uy tín. Bên cạnh đó, phải có hệ thống thiết bị kho lạnh bảo quản thực phẩm tốt, môi trường sạch sẽ, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
“Nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở tất cả các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán thực phẩm. Đối với quá trình lựa chọn nguyên liệu đầu vào, thực phẩm không bảo đảm nguồn gốc, tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch là mối nguy cơ gây ngộ độc mạn tính.
Cùng đó, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm còn tăng thêm do hóa chất độc hại cũng có thể được sử dụng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, các loại phụ gia thực phẩm tạo mùi, tạo màu, hương liệu... có thể được sử dụng bất chấp liều lượng, thành phần. Thậm chí, nhiều trường hợp hóa chất công nghiệp được sử dụng thay thế phụ gia thực phẩm”, Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, mùa hè, thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng. Khi xâm nhập vào thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh nhân lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc.
Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Đặc biệt là các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, patê, giò lụa... là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố.
Theo các chuyên gia, những hệ lụy do mất an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở việc gây ngộ độc cấp tính, bệnh lý mạn tính hay thậm chí tử vong, mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nòi giống, làm tăng gánh nặng chi phí y tế cho người dân.