Có những giấc mơ sinh ra không phải để chạm tới… mà để bước vào và sống cùng nó, mỗi ngày.
Có những người cha mộc mạc, không biết nói lời hoa mỹ… nhưng lặng lẽ xây nên một bài thơ bằng cả cuộc đời mình – cho đứa con bé bỏng.
![]() |
![]() |
Tôi đã đến đó – một chiều bình yên trong lòng đô thị. Ngôi trường nhỏ, ẩn mình giữa rừng cây xanh ngát, tên gọi “Khánh Sơn – Ecopakk” dịu dàng và lặng lẽ như chính những đứa trẻ đang học ở đó. Trẻ tự kỷ – những “bông hoa lạ” mà thế giới này đôi khi không đủ kiên nhẫn để hiểu, không đủ dịu dàng để đợi chờ.
Ở nơi ấy, không có tiếng chuông reo vội vã, không có bảng thành tích hay sổ học bạ với những lời phê khô khan. Thay vào đó là tiếng lá rì rào, tiếng cười khe khẽ, là ánh mắt thầy cô dõi theo từng cái nhíu mày, bước đi của trẻ. Và trên tất cả, là tình yêu – hiện hữu trong từng góc nhỏ.
Người cha – người sáng lập ngôi trường kể lại với đôi mắt ánh lên thứ ánh sáng đặc biệt: “Thiên nhiên là khoảng trống lớn trong giáo dục đặc biệt. Với trẻ tự kỷ, thiên nhiên không chỉ là nơi để chơi, mà còn là phương pháp giáo dục – trị liệu dịu dàng, mạnh mẽ.”
Tôi tin. Tin vào lời nói ấy không chỉ vì anh giáo đã làm nên ngôi trường này, mà vì chính tôi – người ngoài cuộc – cũng thấy những điều kỳ diệu đang hiện hữu nơi đây. Những đứa trẻ từng im lặng như cỏ non, giờ biết ngẩng đầu đón nắng, biết gọi “Mẹ!”, biết ôm lấy cha mình và biết bật khóc – thật sự – lần đầu tiên trong đời…
Ở đây, không ai bắt trẻ phải giống ai. Không ai đòi hỏi chúng “phải bình thường”. Chúng chỉ cần được là chính mình – một cách trọn vẹn. Và các thầy cô, những người đồng hành thầm lặng đã chọn bước vào thế giới của trẻ, không bằng kiến thức sư phạm, mà bằng trái tim và sự thấu cảm chân thành.
Có những triết lý dành riêng cho trẻ tự kỷ tôi nghe qua đã thấy ấm lòng:
“Trẻ càng lớn, chương trình càng nhỏ.
Không gian sống cũng chính là không gian học.
Thiên nhiên là ngôn ngữ giao tiếp mà tuổi dậy thì không từ chối.
Âm nhạc và vận động – là liều thuốc lặng lẽ cho mầm xanh mọc thẳng…”
Những điều ấy, không có trong giáo trình. Nhưng lại hiện diện rất thật – nơi từng buổi học với thiên nhiên, từng trò chơi, từng lần trị liệu, từng vòng tay ôm. Và nơi giấc mơ của người cha, dường như ai cũng cảm nhận được hơi ấm của một “ngọn lửa”, không rực cháy, mà âm ỉ, bền bỉ, kiên cường.
Tôi ấn tượng hình ảnh người mẹ trẻ dắt con đi giữa vườn cây, đứa bé không nói gì, chỉ nắm tay mẹ rất chặt. Trong tay bé là một chiếc lá vàng, trong mắt mẹ là một thế giới vỡ òa – vì đó là ngày đầu tiên con biết chọn một vật gì đó, để giữ lại cho riêng mình.
Những phép màu, ở nơi này, diễn ra trong lặng lẽ. Nhưng ai từng đến rồi, cũng sẽ mang theo một niềm tin – rằng vẫn có một cách khác để giáo dục, một con đường khác để nuôi dạy trẻ đặc biệt, không bằng kỳ vọng, mà bằng hiểu – không bằng áp đặt, mà bằng thương, bằng lắng nghe nội tâm sâu thẳm của con trẻ.
Tôi không biết liệu ngôi trường ấy sẽ đi đến đâu trong tương lai, bởi hành trình nào cho người đi tiên phong cũng đầy thử thách. Nhưng tôi tin, điều mà người cha ấy cùng vợ và đồng nghiệp đang làm, chính là đang gieo hạt. Giấc mơ cha, thắp sáng cuộc đời con. Và những hạt mầm, dẫu khuyết thiếu rồi sẽ vươn lên, bằng ánh sáng của tử tế và đất lành của yêu thương, tôn trọng khác biệt.
Trong lòng thành phố hiện đại Đô thị Ecopark, nơi đất đai quý như vàng, vẫn có một không gian xanh đủ lớn được Tập đoàn giành riêng, không phải để làm khu nghỉ dưỡng, mà để trao yêu thương, nâng bước cho những mầm non mong manh nhất: “những tâm hồn trẻ tự kỷ”.
Và nếu bạn có dịp đi ngang Ecopark, hãy thử dừng chân lại. Có thể bạn chưa nhìn thấy ngay điều kỳ diệu, nhưng chắc chắn sẽ cảm nhận được – mùi hương của một giấc mơ… đang nở hoa. Và có lẽ những triết lý mới về giáo dục trẻ tự kỷ cùng sự phát triển của “Khánh Sơn - Ecopark” sẽ gợi mở phương thức mới cho giáo dục trẻ khác biệt; cũng sẽ kiến tạo nên giá trị mới nhân bản cho Khu đô thị sinh thái này ở Hưng Yên ./.
*** Một số hình ảnh các cháu tự kỷ được chắm sóc, giáo dục bằng phương pháp không áp đặt, mà bằng tình thương, bằng lắng nghe nội tâm sâu thẳm của con trẻ.
![]() |
![]() |
|