Lần 1 được gặp Bác Hồ
Năm 1962 tôi học trường Ca kịch dân tộc Việt Nam, được Nhà trường giao nhiệm vụ Bí thư đoàn thanh niên lao động (nay là đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Theo lệ thường của nhà trường khi nghe tiếng kẻng tất cả học sinh nghỉ trưa phải thức dậy đón thầy đạo diễn Tám Danh đến giảng bài.
Tôi đang chuẩn bị ra phòng tập, bỗng nghe tiếng “Bác đến, Bác đến”. Tôi nhìn ra sân trường thấy chiếc ô tô từ từ lăn bánh vào sân khoa Cải lương. Từ trên xe bước xuống Bác Hồ trong bộ áo nâu nhạt, đầu Bác đội mũ vành rộng. Chỉ một thoáng hàng trăm học sinh các phòng chạy ra đứng xung quanh Bác Hồ. Tôi vội gọi các bạn đoàn viên nối tay nhau làm vòng tròn bảo vệ Bác. Bác tươi cười hỏi chúng tôi:
– Các cháu, Trường múa ở đoạn nào?
Tôi lễ phép thưa:
– Thưa Bác, Trường múa ở gần cổng khu văn công ạ!
Tôi vừa thưa vừa nhìn Bác, bỗng nhiên mắt tôi có những ngôi sao từ mắt Bác Hồ toả sáng. Bác đi ra phía trường múa. Các đoàn viên thanh niên vẫn nắm tay nhau thành vòng tròn theo chân Bác. Từ cửa hội trường múa đã có hàng trăm thầy cô giáo và học sinh các trường trong khu văn công đứng đón Bác và vang lên tiếng “Bác Hồ muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Bác vẫy tay chào và ung dung bước vào trong hội trường giữa hàng trăm thầy cô giáo và học sinh. Bác vui vẻ nói:
– Các cô, các chú, các cháu nghe Bác hỏi: Chính trị là gì?
Thầy hiệu trưởng Trường múa nói:
– Thưa Bác chính trị là Thống soái ạ.
Bác Hồ lắc đầu và giảng ý nghĩa cụm từ chính trị. Bác lại hỏi: Có chính trị rồi thì phải đoàn kết. Có đúng không?
Mọi người trong hội trường vang lên: Đúng ạ!
Bác Hồ nói: Có đoàn kết phải có kỷ luật. Mọi người phải tôn trọng tuân theo pháp luật.
Sau 30 phút mọi người được chào đón và nghe Bác dạy. Bác giơ tay chào và tiến ra ngoài hội trường. Các cán bộ Trung ương theo chân Bác mời Bác lên ô tô. Chiếc ô tô từ từ lăn bánh. Mọi người trong khu văn công đồng thanh hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!
Lần 2 được gặp Bác Hồ và được Bác cho kẹo
![]() |
Ông Trần Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định. Ảnh: NVCC |
Tôi đang học diễn xuất thì thầy Hiệu trưởng Trường ca kịch dân tộc Võ Tích Phiên cho gọi tôi và 13 học sinh giỏi từ 10 tuổi đến 13 tuổi đến hội trường. Thầy hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho tôi và 13 bạn nhỏ đến Phủ Chủ tịch phục vụ văn nghệ. Chúng tôi sung sướng lên ô tô đến cổng Phủ Chủ tịch.
Chú cán bộ đón chúng tôi và cho xếp hàng dọc đi vào phía trong. Đến nơi tôi nhìn thấy Bác Hồ ngồi đối diện với vị khách mặc bộ áo bốn túi đẹp đẽ. Chúng tôi đứng thành hàng ngang lễ phép chào Bác Hồ và vị khách. Bác Hồ nói:
– Đây là ông Trần Nghị, Phó Thủ tướng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sang đàm phán với nước ta. Bây giờ các cháu đàn nhạc cho Bác và vị khách nghe. Vâng lời Bác. Mười ba học sinh của trường với mười ba cây đàn dân tộc các loại hoà âm bài “Lưu thuỷ trường” vang lên. Tiếp theo là hai điệu nhạc miền Nam, miền Bắc. Bác Hồ và ông Trần Đình Nghị vỗ tay khen. Rồi Bác gọi cán bộ đem đến 73 gói kẹo vừng lạc trong giấy bóng kính màu hồng. Bác nói:
– Các cháu cố gắng học giỏi để sau này đem văn hoá dân tộc phục vụ nhân dân. Các cháu về trường chia cho mỗi học sinh của khoa một gói kẹo. Chúng tôi đồng thanh “Vâng ạ!” và hô “Chúng cháu kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi”. Tiếp đó các chú cán bộ trong Phủ Chủ tịch hướng dẫn chúng tôi ra ô tô về trường Ca kịch dân tộc Việt Nam.
Đến bây giờ tôi đã ở tuổi 89, đã qua những năm tháng rèn luyện trong quân đội nhân dân Việt Nam và công tác tại thành phố Nam Định. Nghỉ hưu về làm việc và giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam từ năm 1996 đến nay.
Hàng ngày vẫn cùng với đội ngũ Cán bộ nhân viên của Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp, dạy chữ, khám chữa bệnh cho 70 trẻ em khuyết tật tại Trung tâm. Dù tuổi đã cao tôi vẫn ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Làm việc tốt giúp ích cho đời, cho xã hội”. Hình ảnh về Bác mãi in sâu trong trái tim tôi./.