Chiều 26/6/2025, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả biểu quyết cho thấy, 440/441 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,05%.

Nghị quyết vừa được thông qua quy định miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, phát biểu. (Ảnh: QH) 

Về chính sách miễn, hỗ trợ học phí: Miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập.

Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Nghị quyết quy định, kinh phí thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách.

Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết: tại Tờ trình số 283/TTr-CP, Chính phủ báo cáo chi tiết về tác động ngân sách theo cơ cấu đối với từng cấp học và theo các loại hình cơ sở giáo dục, trong đó kinh phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại CSGD thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là hơn 774 tỷ đồng/năm học cho 418.850 học viên.

Về chính sách miễn, hỗ trợ học phí, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc xác định mức hỗ trợ thống nhất trên toàn quốc để tránh sự chênh lệch, mất cân bằng giữa các địa phương.

Dự thảo luật quy định "hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục".

Ước tính tổng kinh phí để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước là 30.600 tỷ đồng. Ngân sách dự kiến để miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS trong năm học 2025 - 2026 là 22.500 tỷ đồng. Để triển khai đầy đủ chủ trương mở rộng miễn giảm và hỗ trợ học phí theo kết luận của Bộ Chính trị, ngân sách nhà nước cần tăng thêm 8.200 tỷ đồng.

Từ năm học 2025-2026: Chính thức miễn học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông, giáo dục công lập cả nước; học sinh cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hỗ trợ. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã báo cáo chi tiết về tác động ngân sách với tổng kinh phí thực hiện chính sách là khoảng 30.600 tỷ đồng.

Trong đó số kinh phí phải chỉ trả theo các quy định đã được ban hành về miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 là 22.400 tỷ đồng; số kinh phí phải đảm bảo thêm để thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết là 8.200 tỷ đồng.

Đối với số kinh phí dự kiến tăng thêm, Quốc hội đã ban hành nghị quyết chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Cũng theo Bộ trưởng, thực tế hiện nay, đã có 10 tỉnh/thành phố đã hỗ trợ học phí năm học 2024 - 2025 cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn.

Nghị quyết trên chính thức có hiệu lực từ ngày 26/6/2025 và áp dụng từ năm học 2025 – 2026.

Đại Lộc