Theo thông tin từ phiên họp, từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tập trung cao độ và quyết liệt với nhiều chủ trương, quy định, quan điểm mới được ban hành; vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách của đất nước vừa khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý các dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Theo chỉ đạo của Thường trực Ban chỉ đạo, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành; 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 8 dự án nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn.

Đại biểu tham dự Phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(Ảnh: Phương Hoa - TTXVN) 

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.

Thi hành kỷ luật một loạt tổ chức đảng và hàng nghìn đảng viên

Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, qua đó đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.

Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã chủ động nhận diện, phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong các lĩnh vực gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đến quyền lợi của người lao động; có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp, thậm chí là bị can với cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản nhà nước, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Thu hồi hơn 100 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ với 4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết luận điều tra 7 vụ án với 127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án với 87 bị can; xét xử sơ thẩm 7 vụ án với 94 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án với 221 bị cáo.

Các cơ quan chức năng cũng đã mở rộng điều tra, khởi tố mới 2 vụ án; khởi tố thêm 40 bị can từ 8 vụ án; kết thúc điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Với các vụ án, vụ việc Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu giữ số tài sản trị giá trên 313 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Đặc biệt, trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban chỉ đạo đến nay lên 103.854 tỷ đồng (đạt 51,57%).

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ, cả phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong 6 tháng đầu năm, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo; cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 trường hợp bị xử lý hình sự; khởi tố mới 416 vụ án với 1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực; nhiều địa phương đã xử lý kỷ luật, khởi tố bị can là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

 Ban chỉ đạo thống nhất đưa 6 vụ án vụ việc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi.

Trong số này có 4 vụ án, vụ việc liên quan đến sản xuất buôn bán hàng giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả, trong đó có liên quan đến công ty Z holding và Cục An toàn thực phẩm, Bộ y tế.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Ban chỉ đạo là "những vấn đề liên quan đến sức khỏe tính mạng của người dân thì cương quyết không dung thứ và phải tuyên chiến với loại tội phạm này".

Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục thực hiện điều tra truy tố xét xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Ban chỉ đạo giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra những hành vi, dấu hiệu vi phạm, tiếp tay, tham nhũng, tiêu cực trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện kiểm định rồi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm giả ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng và tài sản của người dân. Việc này thực hiện xong trong quý 3.

Ban chỉ đạo yêu cầu hoàn thiện thể chế và khắc phục những sơ hở bất cập trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ban Chỉ đạo giao các cơ quan chức năng, trong đó có Đảng ủy Chính phủ phải rà soát lại Nghị định 15 và một số quy định khác có liên quan, tiến tới có thể sửa một số điều luật để phù hợp với thực tiễn, nhằm mục tiêu đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

TH