Bị đi tiểu ra máu, tiểu buốt, chị B.A (42 tuổi, ở Hà Nội) tá hỏa phải vào Bệnh viện E cấp cứu vì các triệu chứng ngày càng nặng.

Trước đó, chị A. đã bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn nhiều đợt, hầu như tháng nào cũng bị nhưng chủ quan nên để bệnh diễn biến nặng. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị viêm cả đường tiết niệu và viêm bàng quang. 

Hay cũng có trường hợp viêm đường tiết niệu nhưng biểu hiện nhẹ nên tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc uống; tuy bệnh có đỡ nhưng sau đó lại tái phát liên tục khiến người bệnh vô cùng khó chịu, phải vào viện thăm khám mới biết bệnh đã nặng.

BS. Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) cảnh báo: "Thời gian gần đây, tại bệnh viện xuất hiện nhiều ca bệnh viêm đường tiết niệu, rối loạn tiểu tiện, đây là những vấn đề hay gặp trong thời tiết nóng nực mùa hè, nhưng nhiều người chủ quan dễ dẫn đến diễn biến nặng".

Theo BS. Mai Văn Lực, đa số các trường hợp bị viêm đường tiết niệu thường hay mắc các sai lầm như: Lười uống nước, nhất là trong mùa nắng nóng khiến lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ, vi khuẩn dễ bám dính gây bệnh ở đường tiết niệu. Đặc biệt, nhiều người còn thường xuyên mặc quần áo bó sát, chật làm tăng nhiệt độ ở vùng kín, giữ ẩm khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển gây bệnh. Đặc biệt, khi có biểu hiện tiểu dắt, tiểu buốt, nhiều người có thói quen tự mua thuốc điều trị khiến bệnh không được điều trị dứt điểm, dễ tái phát.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần uống đủ nước hàng ngày với lượng là 0,4 lít/10kg thể trạng cơ thể là đủ; nhất là trong những ngày nắng nóng. Việc uống nước nên chia đều trong ngày, mỗi lần uống khoảng 100 - 200ml, cách nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ, không nên uống lặt vặt.

Đặc biệt, người dân không nên tự chẩn đoán bệnh hay tự mua thuốc uống. Triệu chứng của bệnh có thể giống nhau nhưng nguyên nhân lại khác nhau hoàn toàn. Việc tự ý dùng thuốc không đúng còn có thể gây ra tình trạng tái phát, tình trạng kháng thuốc khó điều trị. Cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu khi có các dấu hiệu bệnh. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Người bệnh cũng cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Kể cả khi thấy bệnh đã đỡ những vẫn phải uống hết thuốc, tái khám đúng hẹn để đảm bảo vi khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn, đảm bảo tình trạng bệnh đã hết hẳn.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, lựa chọn quần áo phù hợp; nhất là hè cần mặc quần thoáng, tránh các quần quá bó, chật, bí. Chị em phụ nữ nên lựa chọn các loại dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh sử dụng xà phòng, các dung dịch kích ứng...

Thanh Huyền (TTXVN)