Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư

Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia Việt Nam đều đã có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em - quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Trên bình diện pháp luật quốc tế, Công ước về quyền trẻ em đã khẳng định: Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. 

Quyền riêng tư của trẻ em đã được hiến định và luật định rõ ràng và chặt chẽ. Hiến pháp năm 2013 hiến định trẻ em (người dưới 16 tuổi) được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Theo đó, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Xâm phạm quyền riêng tư trẻ em cũng là bạo lực gia đình

Luật Trẻ em 2016 đã khẳng định quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quyền này của trẻ em vẫn bị xâm phạm khá phổ biến, mà điển hình là tình trạng hình ảnh, clip, thông tin đời tư của trẻ em bị đăng tải tràn lan lên mạng xã hội mà không hề có sự đồng ý của trẻ, thậm chí ngay cả từ chính cha mẹ hoặc người thân. Nhiều phụ huynh quay, chụp các clip trẻ khóc lóc, hờn dỗi, hay thậm chí những tình huống nhạy cảm (như trẻ bị phạt, trẻ mắc lỗi) để đăng lên mạng xã hội vì “câu view”, “tạo trend”, vô tình biến trẻ thành trò tiêu khiển của dư luận. Điều này không chỉ vi phạm quyền riêng tư của trẻ mà còn có thể gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ. 

Khó xử lý khi chính người thân của trẻ xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trong hoạt động hàng ngày

trên không gian mạng  ( Ảnh minh hoạ)

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, việc tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm là hành vi bạo lực gia đình. Như vậy, kể cả trong trường hợp không có bạo lực về thể chất. Việc quay clip trẻ khóc lóc, la mắng, hạ nhục trẻ rồi đăng lên mạng xã hội có thể xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, gây sang chấn tâm lý cho trẻ. Đây là hình thức bạo lực tinh thần, bạo lực cảm xúc được pháp luật công nhận.

Đáng chú ý, mặc dù quyền riêng tư của trẻ em đã được luật hóa, nhưng khoảng trống lớn nhất hiện nay là thiếu các quy định xử lý trong quan hệ nội bộ gia đình, nhất là khi hành vi xâm phạm được thực hiện bởi chính cha mẹ, người giám hộ - những người vừa là chủ thể bảo vệ trẻ em, vừa là người có quyền quản lý, giáo dục trẻ em. Đơn cử, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không quy định rõ hành vi đăng tải trái phép hình ảnh, clip trẻ em lên mạng xã hội là một dạng bạo lực gia đình. Việc xử lý hành vi này vẫn dừng lại ở những quy định chung tại các văn bản luật và dưới luật như Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. 

Trong khi đó, bạo lực gia đình vốn là phạm trù đặc biệt phức tạp, vì đụng tới quan hệ huyết thống, tình cảm. Các quy định pháp luật hiện nay chưa trả lời rõ ràng câu hỏi: Liệu trẻ em có quyền phản đối cha mẹ đăng tải hình ảnh, clip về mình không? Luật Trẻ em mới quy định trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên có quyền đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng không quy định rõ hậu quả pháp lý nếu cha mẹ cố tình làm trái ý trẻ. Chính vì vậy, trong xử lý, các cơ quan chức năng thường lúng túng vì lo ngại “can thiệp sâu vào đời sống gia đình”, dẫn đến thực tiễn đa số các vụ việc chỉ dừng ở nhắc nhở.

Hoàn thiện pháp luật theo hướng trẻ em cần được bảo vệ ở nhiều cấp độ

Trong xã hội hiện đại, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là quyền riêng tư và danh dự của các em không chỉ là yêu cầu đạo đức mà còn là vấn đề pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm những biện pháp cụ thể, các cơ chế phát hiện, can thiệp và xử lý rõ ràng, nhất là khi công nghệ số đang tạo ra không ít thách thức cho việc bảo vệ nhân thân của trẻ em.

Ở cấp độ phòng ngừa, điều cần thiết trước tiên là tăng cường giáo dục pháp luật và truyền thông cho phụ huynh, cộng đồng về hậu quả nghiêm trọng của hành vi xâm phạm quyền riêng tư, danh dự của trẻ, kể cả trong môi trường gia đình. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chương trình tập huấn dành riêng cho cha mẹ về kỹ năng nuôi dạy trẻ, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng quyền được giữ kín đời tư của trẻ em, giúp họ hiểu rằng trẻ em cũng có quyền được bảo vệ nhân phẩm và hình ảnh cá nhân như người lớn.

Ở cấp độ phát hiện và can thiệp, một giải pháp cấp bách là thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh, tố cáo riêng về hành vi xâm phạm quyền hình ảnh, nhân thân trẻ em. Đồng thời, pháp luật cần trao quyền để chính trẻ em, nếu đủ nhận thức, có thể trực tiếp khiếu nại, tố cáo khi các em cảm thấy quyền riêng tư, nhân phẩm của mình bị xâm hại. Đây là bước tiến quan trọng để trẻ em không còn chỉ là đối tượng được bảo vệ thụ động, mà có thể trở thành chủ thể tích cực trong việc bảo vệ quyền của chính mình.

Ở cấp độ xử lý, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định rõ ràng rằng các hành vi như quay clip, đăng tải thông tin, hình ảnh nhằm làm nhục, bôi nhọ trẻ em - kể cả do cha mẹ hay người thân thực hiện - phải bị coi là bạo lực tinh thần, cần được ngăn chặn và xử phạt. Đồng thời, pháp luật cũng cần quy định chi tiết về mức phạt hành chính cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự đối với hành vi xâm phạm quyền hình ảnh, bí mật đời tư của trẻ em. Đặc biệt, cần xem xét xây dựng những quy định hình sự riêng biệt để xử lý hành vi phát tán clip, hình ảnh xâm phạm nhân phẩm trẻ em, nhất là những clip mang nội dung nhạy cảm, xúc phạm, làm nhục, bởi hậu quả để lại cho trẻ có thể kéo dài suốt đời.

Tóm lại, quyền riêng tư, danh dự của trẻ em không chỉ là quyền nhân thân mà còn là quyền được sống an toàn và được tôn trọng ngay chính trong gia đình của mình. Bảo vệ trẻ em không chỉ là bảo vệ tương lai, mà còn là khẳng định giá trị của một xã hội pháp quyền, văn minh và nhân văn.


Đỗ Trang