Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thu nhận, điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore”, PGS,TS.Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và thế giới, nhưng tỉ lệ người đăng ký hiến tạng sau chết não thấp, nên nguồn hiến giác mạc còn khan hiếm.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

Trong khi đó, danh sách chờ ghép giác mạc tại các bệnh viện ngày càng tăng. Hiện vẫn có hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời ở 20 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo PGS. TS. Hoàng Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 - đến nay, Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thu nhận được 57 giác mạc trong và ngoài nước, điều phối cho 4 bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM, riêng Bệnh viện đã ghép được hơn 40 ca.

PGS. TS. Hoàng Thị Minh Châu

PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu

“Chúng tôi mong muốn học hỏi thêm về cách thức vận động để phát triển nguồn giác mạc hiến, mang đến nhiều hi vọng cho những người mù lòa” - Bà Châu bày tỏ.

TS. Howard Cajucom-Uy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mắt châu Á, phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore - chia sẻ: Năm 2023, có 620 người được ghép giác mạc ở Singapore, nhưng số người cần ghép vẫn rất đông.

Theo ông Howard Cajucom-Uy, hiến giác mạc có nhiều tiềm năng khi không có chống chỉ định hiến tặng giác mạc, thậm chí với các bệnh nan y; giác mạc có thể được thu nhận vài giờ sau khi xác nhận tử vong; không yêu cầu phù hợp về nhóm máu, kích thước cơ thể, giới tính,... để ghép cặp.

Ông Howard Cajucom-Uy - một chuyên gia về ghép giác mạc của Singapore

Ông Howard Cajucom-Uy - một chuyên gia về ghép giác mạc của Singapore

Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, ông Howard Cajucom-Uy thông tin về những khó khăn trong việc hiến giác mạc mà Singapore gặp phải có những điểm tương đồng như Việt Nam.

Theo đó, kỹ thuật lấy - ghép không phải là vấn đề, mà rào cản chung của nhiều nước chính là phong tục tập quán, truyền thống và tôn giáo, tín ngưỡng văn hoá; sự thiếu hiểu biết về việc hiến tặng giác mạc.

Bên cạnh đó, gia đình người hiến tạng đang ở trong giai đoạn rất đau đớn, trong khi quỹ thời gian dành cho thu nhận giác mạc eo hẹp cùng những nhận thức không đúng về luật pháp liên quan đến hiến tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia

“Để thuyết phục các gia đình hiến giác mạc người thân, chúng tôi có đội tư vấn viên được đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp, có kỹ năng thuyết phục, nắm bắt tâm lý rất tốt.

Ví dụ, khi một người qua đời, tư vấn viên sẽ tiếp cận người nhà họ và chia sẻ, động viên, hỏi han những câu như: Khi còn sống, người nhà có phải luôn thích cho đi, trao yêu thương, chia sẻ giúp đỡ người khác… hay không, cố gắng để người thân của người mất hiểu rằng việc hiến giác mạc thực sự là mong muốn của người đã khuất.

Còn về tôn giáo, chúng tôi thường xuyên có những buổi vận động, tuyên truyền về việc hiến giác mạc, khi ấy đại diện các tôn giáo sẽ đến chia sẻ, tăng thêm niềm tin của mọi người” - ông Howard Cajucom thông tin.

Ca ghép giác mạc từ người hiến chết não đầu tiên tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã mang lại ánh sáng cho người phụ nữ sau 10 năm mù loà

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu và quản lý cùng thảo luận các phương thức triển khai, khó khăn, thách thức, cũng như cơ hội bứt phá trong lĩnh vực hiến-ghép giác mạc tại Việt Nam.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thu nhận, điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore mang đến niềm hy vọng cho hơn 300.000 người bệnh mù loà ở Việt Nam, đồng thời, là thông tin giá trị để các nhà hoạch định chính sách, ban soạn thảo, các nhà vận động tại Việt Nam xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy tắc điều phối hiến tặng mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.

Chuyên gia của Singapore chia sẻ kinh nghiệm vận động hiến giác mạc

Chuyên gia của Singapore chia sẻ kinh nghiệm vận động hiến giác mạc

Sau hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Singapore tiến hành hội chẩn các ca bệnh khó về giác mạc, giúp nâng cao năng lực điều trị cho các bác sĩ, và mang đến giải pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân.

Thanh Hằng

0