Nhà giáo ưu tú-thạc sỹ Phạm Thị Liên, Giám đốc Trung tâm TGXHTKT Thái Nguyên.Nhà giáo ưu tú-thạc sỹ Phạm Thị Liên, Giám đốc Trung tâm TGXHTKT Thái Nguyên.

Nơi cứu giúp những mảnh đời khuyết tật

Năm 2013, sau khi nghỉ hưu tại Trung tâm hỗ trợ hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Thái Nguyên, Nhà giáo ưu tú-thạc sỹ Phạm Thị Liên đã mở Trung tâm tư vấn hỗ trợ hòa nhập để tư vấn, giúp đỡ trẻ em địa phương không may bị khuyết tật trí tuệ có cơ hội hòa nhập đời sống xã hội, góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho các gia đình không may mắn.

Năm 2020, khi nhận thấy rằng cần phải can thiệp càng sớm thì các cháu càng dễ hòa nhập với cuộc sống đời thường, bà Liên quyết định thành lập Trung tâm trợ giúp xã hội trẻ khuyết tật Thái Nguyên ngay trên mảnh đất rộng hơn 1.000 m2 của mình và chính thức được công nhận là thành viên VINARAHC.

 

Chủ tịch Ngô Sách Thực tự tay trao quà cho các em học sinh.Chủ tịch Ngô Sách Thực tự tay trao quà cho các em học sinh.

Hiện Trung tâm có 35 học sinh, độ tuổi 5-16, thuộc các dạng khuyết tật như chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động, nhìn, nói, tự kỷ và được chia thành 6 lớp học: mẫu giáo, tiền tiểu học, kỹ năng sống, học cá nhân, hướng nghiệp và dạy nghề.

Cứ đầu năm, Giám đốc Phạm Thị Liên lại mời các bác sỹ khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên về khám và phân loại bệnh cho trẻ em đến đăng ký theo học, rồi sau đó lên kế hoạch, định hướng can thiệp cho từng cháu. “Có cháu tự kỷ ở thể nhẹ, có cháu vừa tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, có cháu thì cả cuộc đời chỉ là một tờ giấy trắng. Nhưng chúng tôi vẫn đón nhận và dạy cho các cháu những gì đơn giản và cần thiết nhất cho cuộc sống tự lập sau này” - bà Liên tự hào cho biết. – “Với các cháu ở thể nặng như vừa tự kỷ vừa chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động thì đòi hỏi nhân viên, hội viên và giáo viên dành nhiều thời gian và công sức hơn để giúp các cháu phát triển tốt nhất”.

Tại lớp dạy kỹ năng và tiền tiểu học chỉ có một cô và một trò đang học với nhau. Cô giáo Đỗ Thị Nhung cho biết đang dạy kèm cho cháu Nguyễn Nhật Minh, 5 tuổi, bị tự kỷ chậm phát triển: “Khi được đưa tới Trung tâm, cháu còn chưa biết nói, không biết ăn cơm, chỉ uống sữa và ăn kẹo bánh nhưng sau 2 năm học can thiệp thì nay đã nói được, tự ăn cơm. Khi cháu ăn được cơm bà của cháu đã khóc vì mừng”.

Trung tâm cũng thường xuyên chia sẻ và giúp đỡ những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn như thăm hỏi và miễn giảm học phí, đồng thời vận động các cấp chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực vật chất và tinh thần. Bởi lẽ, nếu chỉ nhìn vào mức thu học phí chỉ từ 850 nghìn đến 2,5 triệu đồng/em thì làm sao có thể đủ trả lương cho 11 người (trong đó có 6 giáo viên) và duy trì hoạt động của Trung tâm, đồng thời cung cấp cho các em một bữa trưa và bữa phụ trị giá 20 nghìn đồng.

Trung tâm đã quy tụ được 46 hội viên là các phụ huynh học sinh, các thày cô giáo có lòng quan tâm đến các trẻ em khuyết tật, có thể ủng hộ, hỗ trợ dưới mọi hình thức và đồng hành cùng với Trung tâm trong việc xã hội hóa nguồn lực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em khuyết tật tại đây.

Và chắp cánh những ước mơ

Tôi không phải là nhà tâm lý nên không biết những đứa trẻ bị tự kỷ có biết mơ ước không. Nhưng chắc chắn cha mẹ chúng luôn mơ ước và mong muốn con mình có thể làm được những điều thật bình thường như những đứa trẻ khác, dù trí tuệ của nó bất thường, và hơn nữa ít nhất nó có thể làm được một công việc hay có một nghề để sau này nuôi sống bản thân. Và khi họ già yếu thì nó cũng không trở thành gánh nặng cho anh chị em mình.

Trong thời gian qua, Trung tâm đã hoàn thành chương trình can thiệp cho 6 cháu ra học hòa nhập ở các trường tiểu học. Đây là những cháu được phát hiện bệnh sớm và can thiệp từ lúc 2 tuổi. Trong số này đã có em học đến lớp 4 với học lực trung bình khá so với các bạn cùng trang lứa.

Ở lớp dạy kỹ năng định hướng có hai học sinh đang ngồi tô màu. Cô giáo Nghiêm Bích Hợp, 72 tuổi, phụ trách lớp, cho biết: “Cháu Bùi Trường Giang 16 tuổi này vẽ rất giỏi rất nhiều bức do cháu vẽ được treo trên tường quanh phòng học. Còn cháu gái Nguyễn Bảo Ngọc, 10 tuổi, rất thích vẽ đồ vật theo trí tưởng tượng của mình. Trước đây cũng đã có một cháu được một họa sỹ dạy vẽ. Cháu đã tham gia vẽ các tranh tường trang trí Trung tâm và hiện thường xuyên theo thày dạy đi vẽ kiếm tiền”.

Chủ tịch Ngô Sách Thực (thứ hai bên trái), Giám đốc Phạm Thị Liên (đứng giữa) và cô giáo Nghiêm Bích Hợp (bên phải) động viên cậu bé Bùi Trường Giang ham học vẽ.Chủ tịch Ngô Sách Thực (thứ hai bên trái), Giám đốc Phạm Thị Liên (đứng giữa) và cô giáo Nghiêm Bích Hợp (bên phải) động viên cậu bé Bùi Trường Giang ham học vẽ.

Nhờ có sự tận tâm của các cô giáo mà cậu bé Nguyễn Nhật Minh không những biết ăn cơm, biết nói mà con đang học lớp tiền tiểu học.Nhờ có sự tận tâm của các cô giáo mà cậu bé Nguyễn Nhật Minh không những biết ăn cơm, biết nói mà con đang học lớp tiền tiểu học.

Các cháu lớn tuổi muốn học nghề đều được Trung tâm xúc tiến việc làm thuộc Sở LĐTBXH, Hội bảo trợ trẻ em tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tạo điều kiện cho học nghề. Hiện đã có 4 cháu ra làm nghề, trong đó 2 cháu người dân tộc Mông ở Mai Châu (Hòa Bình) làm masage bấm huyệt, hàng tháng thu nhập 3-4,5 triệu đồng, và hai cháu khác làm nghề sửa xe máy. Các cháu thường xuyên gọi điện về cho các cô với tinh thần rất phấn khởi.

“Các cháu được chăm sóc tại đây rất hạnh phúc, giống như ở ngôi nhà thứ hai của mình. Các cô giáo thực sự là những người truyền và giữ lửa, thắp sáng niềm tin của các cháu vào tương lai sau này” – Chủ tịch VINARAHC Ngô Sách Thực đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm trong việc thu hút thêm nhiều nguồn lực, vượt qua khó khăn để hỗ trợ trẻ em khuyết tật, giúp được nhiều em hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: Dương Nguyên Khải

0