Cảm xúc là quan trọng nhất
Trung tâm Trợ giúp trẻ em khuyết tật trí tuệ Văn Hiến là cơ sở can thiệp sớm đầu tiên do cô giáo Hoàng Thị Nhàn tự tay gầy dựng. Tất nhiên, nói là đầu tiên thì sau này sẽ có thứ hai, thứ ba,... Trung tâm được đặt tên là Văn Hiến với hàm ý lưu giữ những giá trị về văn hóa, với mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục chuyên biệt mà ở đó luôn ngập tràn tiếng cười của các con, phụ huynh và tập thể giáo viên. Có lẽ vì thế mà trong suốt cuộc trò chuyện tôi luôn nghe được những tiếng cười rộn ràng trong từng lớp học.
“Tôi muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng, trước hết là một môi trường giáo dục công bằng, vui vẻ, nhiều tiếng cười cho các con, phụ huynh và cô giáo. Tức là khi học tại Trung tâm Văn Hiến, các con có vui vẻ, cười nhiều hay không rồi sau đó mới tính đến việc dạy cho các con cái gì. Buổi chiều, khi đến đón con về thì phụ huynh có thấy vui mừng và cảm nhận được sự thay đổi của con hay không. Còn với các cô giáo ở đây thì sau một ngày làm việc trở về nhà sẽ gác lại mọi nỗi bận tâm và dành thời gian cho cá nhân và gia đình” - cô giám đốc trẻ còn cho biết rằng, tuy ngồi ở dưới tầng một tiếp khách nhưng cô vẫn biết được trong số 35 học trò đang ở trung tâm đứa nào đang khóc và khóc vì điều gì.
Phụ huynh khi đưa con đến đây sẽ được giám đốc Trung tâm dành thời gian trò chuyện để họ giải tỏa tâm lý rồi mới tiến hành thu thập thông tin về tiểu sử phát triển của trẻ, từ đó đánh giá mức độ chức năng hiện tại của trẻ theo các thang đánh giá phát triển có kiểm chứng khoa học. Cuối cùng và quan trọng nhất là Trung tâm sẽ đề ra chương trình can thiệp sớm dành cho từng trẻ và giúp phụ huynh hiểu rõ mục tiêu của chương trình đó để họ yên tâm đồng hành cùng với Trung tâm trong việc dạy can thiệp cho trẻ. Chỉ khi có sự phối hợp giữa Trung tâm và gia đình thì việc dạy và học của trẻ có rối loạn phát triển mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiện tại, Trung tâm Văn Hiến triển khai ba hình thức học. Thứ nhất, học can thiệp bán trú tức là học cả ngày tại trung tâm. Thứ hai là học can thiệp theo giờ (Cá nhân 1:1). Thứ ba là chương trình học can thiệp nửa ngày dành cho các trẻ đang học tại môi trường giáo dục hoà nhập (các cấp: mầm non, tiểu học,...) kết hợp với nửa ngày học can thiệp tại Trung tâm. Tất cả nhằm giúp phụ huynh chủ động trong việc sắp xếp công việc cá nhân và lịch học cho con mình.
Trung tâm cũng định kỳ tổ chức các buổi ngoại khóa để cho các con ra ngoài trải nghiệm ở môi trường xã hội, tạo nền tảng để sau này dễ dàng hòa nhập. Các nề nếp học tập, các kỹ năng tự lập thì sẽ được hình thành ngay từ ngày đầu đi học, mục tiêu là sau này các con có thể tự lập mà không cần có người hỗ trợ. Ví dụ, vào siêu thị trẻ sẽ tự chọn hàng hóa theo sự thống nhất của cô và trò trước đó. Sau đó, trẻ sẽ học cách thanh toán tiền và nhận hàng ra về dưới sự giám sát của cô giáo.
Trẻ em chuẩn bị ra trường sẽ được rèn luyện kỹ năng sử dụng thời gian trống. Lúc đó, các con sẽ phải tự ngồi học một mình trong 20-30 phút, làm bài tập được giao như: viết bài, làm toán, sắp xếp đồ dùng học tập ngăn nắp, soạn thời khoá biểu,... Và quan trọng nhất là các con phải tự duy trì hoạt động đó khi không có cô giáo ở bên.
Trung tâm luôn duy trì kết nối liên tục với các phụ huynh, đồng hành và hỗ trợ các con trong quá trình học hòa nhập, với tâm niệm rằng, sau khi các con ra trường không có nghĩa là mình hết trách nhiệm. Bộ phận chuyên môn luôn hỏi thăm phụ huynh xem các con ra học hòa nhập như thế nào, có thêm bạn, thêm kỹ năng gì mới ở môi trường mới không và đang gặp khó khăn gì.
Gian nan việc giúp các con tự lập!
Trong 2 năm qua Trung tâm đã tổ chức lễ tốt nghiệp ra trường cho 9 học sinh. Người ngoài nhìn vào có thể đặt câu hỏi: Tại sao ít thế? Ở một môi trường đặc biệt của những đứa trẻ có rối loạn phát triển thì như thế là nhiều bởi vì lộ trình cả các con đi rất dài. Có những em học 7-8 năm vẫn không vượt qua chương trình giáo dục lớp 1 và vẫn học chương trình can thiệp sớm. Chính vì vậy, đến đây sẽ thấy những em 10 tuổi nhưng chỉ đọc bập bẹ con số hay chữ cái thôi. Trung tâm Văn Hiến tiếp nhận và can thiệp cho trẻ em có rối loạn phát triển trong độ tuổi từ 18 tháng đến 16 tuổi.
Tại đây hiện có 35 học sinh thuộc đủ các loại hình thức học can thiệp, tương đương sĩ số của một lớp học mẫu giáo. Mỗi lớp chỉ sắp xếp 8-9 trẻ, nếu nhiều hơn thì sẽ rất khó để các cô giáo hướng dẫn cho từng em. Nhìn cô giáo dạy cho một trẻ nhận biết đồ vật có vẻ đơn giản nhưng thực ra là cô đang phải đồng thời bao quát hết 6-7 em còn lại. Việc phân chia các lớp dựa trên các đặc điểm khó khăn và tình trạng của học sinh giúp Trung tâm cá nhân hóa chương trình dạy và học cho từng em.
Đối với trẻ có rối loạn phát triển, việc dạy kiến thức cho các em là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là dạy kỹ năng sống và kỹ năng tự lập. Hai kỹ năng này luôn được dạy cho dù học sinh học dưới hình thức can thiệp nào. “Kỹ năng tự lập rất quan trọng, ví dụ các em phải hiểu được là cần cất giày dép, ba lô ở đâu, lấy cốc uống nước ở đâu, rót nước thế nào, uống xong thì cất cốc vào chỗ cũ, trẻ cũng cần tự biết xúc cơm ăn và cất gọn bát, thìa sau khi ăn. Đây là những kỹ năng cần hình thành sớm nhất cho trẻ dựa trên độ tuổi phát triển hiện tại của các con, tức là ở độ tuổi nào thì phải phát triển kỹ năng tương ứng” - giám đốc Hoàng Thị Nhàn cho biết. – “Với kỹ năng sống thì các con phải hiểu được vấn đề: mưa thì phải biết đội mũ, mặc áo mưa, trú mưa, phải nhận diện các loại đồ dùng có thể gây nguy hiểm như: ổ điện, dao, kéo,... và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với các bạn. Trẻ em lớn phải biết nhận diện và giải quyết vấn đề trong quá trình chơi với bạn, ví dụ khi bị giật đồ chơi thì phải hiểu đó là hành vi không nên làm, sau đó là lựa chọn cách giải quyết: mách cô, nói với bạn không nên làm như vậy hoặc đồng ý chia sẻ đồ chơi với bạn. Các cô giáo sẽ dạy các con nhận diện vấn đề và cách giải quyết phù hợp nhất tương ứng với mỗi tình huống”.
Việc dạy hai kỹ năng này là thế mạnh của Trung tâm Văn Hiến. Phụ huynh đưa con đến đây luôn nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở các con dù chỉ sau một tuần đi học. Ví dụ, trước đây ở nhà họ phải làm hết mọi việc cho con thì nay thấy con đã biết tự chăm sóc bản thân, tự lấy quần áo, chăn gối, tự đánh răng, rửa mặt,... và chỉ trong vòng một tháng tất cả các kỹ năng này đều được hình thành. Điều đó làm cho họ cảm thấy yên tâm khi trao con mình cho Trung tâm. Và họ thường tấm tắc khen: “Ôi, hôm nay con biết tự lấy quần áo đi tắm, tự xúc cơm ăn!..”
Chỉ một niềm vui nho nhỏ vậy thôi nhưng để giúp những trẻ có rối loạn phát triển tiếp thu được kiến thức, kỹ năng để sau này có thể sống tự lập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội thì đòi hỏi các cô giáo phải dành thời gian và công sức gấp nhiều lần so với dạy trẻ em bình thường.
Bài và ảnh: Dương Nguyên Khải