Nhân tố chính đưa đến thành công của Trung tâm – Thạc sỹ Hoàng Đức Đương và Thạc sỹ Lê Thị Hương Mai.Nhân tố chính đưa đến thành công của Trung tâm – Thạc sỹ Hoàng Đức Đương và Thạc sỹ Lê Thị Hương Mai.

Từ nỗ lực tự bước đi trên đôi chân...

Hoàng Đức Đương sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Phú Thọ. Cuộc sống vất vả nên càng thôi thúc chàng trai cố gắng học tập để sau này có cơ hội thay đổi cuộc đời và số phận. Và ước mơ từ tấm bé là trở thành thày giáo đã trở thành hiện thực khi Đương thi đỗ Đại học sư phạm Hà Nội. Cậu là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của khoa Tâm lý giáo dục – chuyên ngành tâm lý học trường học lần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam.

Chuyện đi lại có lẽ chỉ là chuyện nhỏ với người bình thường nhưng với Đương thì từ nhỏ đã đi lại vất vả do các cơ nửa người bên dưới rất yếu. Tuy nhiên, suốt những năm tháng đi học, cậu luôn nỗ lực tự bước đi trên đôi chân của mình để hiếm khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Vài năm gần đây, việc đi lại của Đương phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn điện.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, Đương vào làm tại Trung tâm Sen Hồng - một trung tâm can thiệp trẻ em đặc biệt do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa (hiện là giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia – NCSE) phụ trách. Làm được một tuần, cậu xin nghỉ vì cảm thấy kiến thức và kỹ năng của mình không theo kịp yêu cầu công việc. “Được sự động viên, khích lệ của cô Hoa, tôi quyết định cho mình một cơ hội để thử thách bản thân. Sau một tháng thì tôi vượt qua nhưng vẫn cảm thấy hơi bị áp lực, tháng thứ hai thì bắt đầu thấy có thể theo kịp công việc” – Đương cho biết. Đồng thời cậu đăng ký tham gia học từng chuyên đề chuyên môn ngắn để trước mắt có thể làm tốt công việc. Có những chuyên đề do chuyên gia nước ngoài giảng dạy chỉ trong vài ngày nhưng học phí bằng cả tháng lương nhưng bù lại nó giúp cậu vững vàng về kiến thức và tiến bộ vượt bậc trong công việc. Càng học Đương càng thấy yêu thích nghề can thiệp trẻ đặc biệt và thông cảm, yêu thương những đứa trẻ không may bị bà mụ nặn ra có khiếm khuyết về trí tuệ.

Đầu những năm 2010, rất nhiều phụ huynh hàng ngày phải lặn lội 20-30 km từ Hoài Đức, Đan Phượng vào nội đô để đưa con đi học can thiệp, vừa vất vả vừa mất nhiều thời gian và chi phí mà việc can thiệp cho trẻ đặc biệt là cả một quá trình lâu dài. Nhận thấy nhu cầu đó, năm 2013 Đương quyết định rời phố về Hoài Đức lập nghiệp. Đó là cơ duyên để cộng đồng trẻ em khuyết tật trí tuệ có được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hương Ban Mai như ngày hôm nay.

Từng bước vượt qua thử thách

Năm 2013, Trung tâm khởi đầu từ một phòng can thiệp cá nhân cho trẻ có nhu cầu đặc biệt rộng chừng 15 m2, năm 2014 chuyển sang một căn phòng lớn hơn. Năm 2015, Trung tâm mở thêm phòng Phòng tâm lý học đường tại trường mầm non Sao Mai huyện Hoài Đức.

Năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt mới khi Hoàng Đức Đương quyết định thành lập Công ty TNHH Tư vấn và hỗ trợ giáo dục Hương Ban Mai. Năm 2017, Trung tâm quyết định mở rộng hoạt động và chuyển địa điểm đến khu đô thị Tân Tây Đô huyện Đan Phượng, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển sứ mệnh giáo dục đặc biệt của mình. Năm 2019, Trung tâm tiếp tục lớn mạnh và thuê thêm 2 căn nhà liền kề.

Ngày hội thể thao được tổ chức ở ngoài trời để giúp các con tự tin giao tiếp với bạn bè.Ngày hội thể thao được tổ chức ở ngoài trời để giúp các con tự tin giao tiếp với bạn bè. 

Năm 2020 đánh dấu sự lớn mạnh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hương Ban Mai với việc cơ sở chính thức được UBND Tp. Hà Nội ra quyết định thành lập và Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cấp phép hoạt động.

Năm 2023, Trung tâm khai trương cơ sở thứ hai tại thị xã Sơn Tây. Hiện 2 cơ sở có 80 con học bán trú và 40-50 con đang học can thiệp theo giờ, với đầy đủ các các phòng học chức năng được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học phục vụ hoạt động học tập của các bé và lắp đặt điều hòa để tạo không khí mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Hầu hết các lớp học là một cô một trò. Cô bé này sẽ được làm việc với nhiều giáo viên để phù hợp với giai đoạn phát triển của mình, chủ yếu để mở rộng đối tượng giao tiếp trong suốt quá trình học.Hầu hết các lớp học là một cô một trò. Cô bé này sẽ được làm việc với nhiều giáo viên để phù hợp với giai đoạn phát triển của mình, chủ yếu để mở rộng đối tượng giao tiếp trong suốt quá trình học.

“Khó khăn lớn nhất là vượt qua bản thân mình. Thứ hai là khó khăn về tài chính vì khi làm việc với trẻ đặc biệt thì cần đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cũng cần rất nhiều. Khi mới thành lập trung tâm tôi lúc nào cũng trong tình trạng đi vay mượn để mua đủ đồ dùng, trang thiết bị cần thiết. Thứ ba là về nhân sự vì giáo viên dạy trẻ đặc biệt không chỉ cần có tình yêu thương, nhiệt huyết mà còn phải có một chuyên môn vững vàng” – Đương tâm sự về những khó khăn gặp phải trên bước đường khởi nghiệp.

“Anh ấy có thể đọc tài liệu thâu đêm suốt sáng, ngồi hàng giờ mê mải sửa chữa hoặc tự làm đồ chơi cho các con và phục vụ cho công việc dạy của mình. Ban đầu, lúc mới thành lập Trung tâm thì kinh tế còn eo hẹp nên anh ấy mua gỗ nhờ phụ huynh cắt theo kích thước rồi tự đóng kệ sách, tủ, bàn ghế. Có hôm cứ mải mê kỳ cạch đóng đóng gõ gõ đến 2-3 giờ sáng” - phó giám đốc Lê Thị Hương Mai, chuyên viên âm ngữ trị liệu, thạc sỹ giáo dục đặc biệt và đồng thời của là người bạn đời của giám đốc trẻ Hoàng Đức Đương, cho biết.

“Cái tên Hương Ban Mai nghĩa là hương nắng sớm, trong đó có tên của vợ tôi. Một ngày luôn bắt đầu bằng bình minh, bằng ánh ban mai, bằng nắng sớm. Trẻ đặc biệt có thể chậm hòa nhập nhưng nó vẫn có những khởi đầu tốt đẹp khi đến Trung tâm” – giám đốc trẻ giải thích, rằng cái tên của trung tâm tượng trưng cho tình yêu đối với người vợ hiền đồng thời là người trợ thủ đắc lực, và mong muốn làm điều tốt nhất để giúp những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống đời thường.

“Tôi được hỗ trợ rất nhiều về chuyên môn...”

“Tôi được hỗ trợ rất nhiều về chuyên môn để can thiệp cho trẻ tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tôi cũng được hỗ trợ về giao tiếp với phụ huynh để tương tác với họ, giải thích cho họ hiểu để họ luôn đồng hành với con, để họ hỗ trợ con tối ưu nhất” - cô giáo Ngô Thị Phương Thảo cho biết.

Đối với giáo viên dạy trẻ đặc biệt thì kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành là vô cùng quan trọng. Giáo viên có trình độ cao thì mới hỗ trợ đứa trẻ sớm hòa nhập tốt nhất, không làm mất đi thời gian và cơ hội phát triển của chúng. Các giáo viên trụ lại được ở đây không chỉ có tình yêu thương với trẻ mà còn phải có tinh thần thép, không ngừng học tập nâng cao trình độ vì Trung tâm thường xuyên tổ chức đào tạo chuyên môn và yêu cầu họ sau một thời gian vào làm việc phải đạt trình độ nhất định.

Ông Joel Nininger Albert, chuyên viên cao cấp về chỉnh hình, đang cùng với các chuyên gia trong nước khám sàng lọc cho một cháu bé nghi bị bàn chân bẹt trong đợt khám sàng lọc miễn phí khuyết tật vận động tại Trung tâm.Ông Joel Nininger Albert, chuyên viên cao cấp về chỉnh hình, đang cùng với các chuyên gia trong nước khám sàng lọc cho một cháu bé nghi bị bàn chân bẹt trong đợt khám sàng lọc miễn phí khuyết tật vận động tại Trung tâm.

Toàn bộ 33 giáo viên của Trung tâm đều tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, tâm lý, âm ngữ trị liệu, mầm non, công tác xã hội và các ngành sư phạm liên quan. 80% giáo viên tốt nghiệp đại học với thành tích giỏi, xuất sắc hay thủ khoa, 26% đạt trình độ thạc sỹ, 70% có trình độ cử nhân, 75% có kinh nghiệm trên 2 năm.

“Môi trường luôn thúc đẩy tôi không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân để có thể dạy trẻ một cách tốt nhất” – cô Trịnh Thị Nhàn tự nhận, đến với Hương Ban Mai, cô ngày càng trưởng thành, được thỏa sức làm công việc đam mê này.

"Bán cho tôi ít mộc nhĩ, nấm hương để làm cỗ Tết nào, ông chủ ơi!" - các dịp lễ thực sự là những ngày hội cho trẻ em đặc biệt, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như ngoài đời thực.

Cô giáo Lã Thị Thanh Tâm đang can thiệp 1:1 với một bé trai chừng 5 tuổi, cho biết: “Bạn này học ở đây cũng được 2 năm. Lúc đầu bạn ấy có cách giao tiếp và hành vi khá hạn chế nhưng đến bây giờ thì đã khá hơn, đã biết thể hiện nhu cầu và kiểm soát khá tốt hành vi của mình. Bạn ấy sẽ được làm việc với nhiều giáo viên để phù hợp với giai đoạn phát triển của mình, chủ yếu để mở rộng đối tượng giao tiếp trong suốt quá trình học”.

“Khi ứng dụng các phương pháp can thiệp có bằng chứng khoa học đối với trẻ đặc biệt sẽ tạo được niềm tin. Niềm tin cho phụ huynh là ở cuối mỗi đường hầm đều có ánh sáng và cứ đi thì sẽ tới, con mình sẽ mỗi ngày sẽ tốt lên. Niềm tin dành cho giáo viên về những giá trị mà họ đóng góp được cho cộng đồng, giá trị của tri thức và tình yêu đối với công việc, và niềm tin của chính đứa trẻ về việc chúng có một môi trường, có những người xung quanh luôn thấu hiểu, đồng cảm, sẵn sàng cho chúng có một cuộc sống hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười mỗi ngày” – phó giám đốc Lê Thị Hương Mai cho biết, đó là điều mà cô tự hào nhất, hạnh phúc nhất khi làm việc với trẻ đặc biệt tại Trung tâm của mình.

Nguyên Khải

(Ảnh: do Trung tâm Hương Ban Mai cung cấp)

0