Ông Đào Vũ Thiết (ngoài cùng bên trái dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Ông Đào Vũ Thiết (ngoài cùng bên trái dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Năm 2011 tôi được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho nghỉ hưu và chuyển về công tác tại Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Hội CTTETT VN) với chức vụ là Phó Tổng Thư ký và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Hội.

Với gần 3 nhiệm kỳ công tác Hội, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của Hội từ cơ quan Trung ương đến các đơn vị thành viên, các Trung tâm, Nhà Cứu trợ và các cơ sở khác của Hội đã đồng cam cộng khổ, phấn đấu học tập, kiên trì làm việc, vượt nhiều khó khăn với mong muốn duy trì và phát triển Hội như các Nghị quyết các Đại hội và chương trình công tác hàng năm của Hội đề ra.

Tuy vậy Hội ta vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Cả nước mới chỉ có ba Hội cấp tỉnh là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên.

Khi mới thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam có 24 Trung tâm, 9 Nhà cứu trợ tại các tỉnh, thành trên cả nước. Cách tổ chức này đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của các gia đình có trẻ em khuyết tật nên rất được hoan nghênh, chính quyền các địa phương rất ủng hộ. Nhưng đến nay Hội mới có chỉ có hơn 60 Trung tâm, Nhà Cứu trợ và các chi hội thuộc hội thành viên ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên với gần 3 nghìn hội viên chính thức và hàng trăm hội viên liên kết, hội viên danh dự. Như vậy phải thừa nhận rằng so với các Hội khác thì Hội ta số lượng tổ chức và số hội viên còn ít, hoạt động chưa được rộng khắp trong cả nước.

Trong khi đó, mục tiêu của Hội là tuyên truyền, cổ vũ cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, cả xã hội và các nhà hảo tâm dành sự quan tâm chăm sóc, giáo dục đối với trên 2 triệu trẻ em khuyết tật, tương đương gần 30% số người khuyết tật trên toàn quốc.

Tôi rất trăn trở tự hỏi: Vì sao một Hội được Thủ tướng Chính phủ thành lập, được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân tín nhiệm mà phát triển tổ chức và hoạt động rất khó khăn?

Có thể nói, Hội CTTETT VN có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn công tác như các Hội khác. Ở phạm vi quốc tế, ta có Công ước của Liên hiệp quốc về người khuyết tật; quyền trẻ em; Đảng có Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về công tác với Người khuyết tật [1]; Theo Quyết định 118 thì Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương [2]; Là thành viên lâu năm tích cực làm công tác từ thiện nhân đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà nước có Luật người khuyết tật, Luật trẻ em và nhiều văn bản nhưng chú ý nhất là hai văn bản có ý nghĩa thực tiễn cao là Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 103/2017 NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra còn có nhiều các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Trung ương Hội hàng năm đều có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức và phát triển Hội, đặc biệt gần đây có hướng dẫn số 14/CTTETTVN ngày 26/01/2024 nêu đầy đủ lý luận và thực tiễn cho công tác phát triển Hội viên và tổ chức của Hội. Hàng năm Hội cũng đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ hội viên với hàng nghìn người tham gia.

Tuy vậy nhận thức của xã hội, thậm chí cả một số cán bộ quản lý cấp cơ sở còn rất “mù mờ” về Hội, về xã hội hóa công việc này, một số văn bản của các cấp còn chồng chéo, gây khó khăn cho thực hiện công tác này. Mặt khác cán bộ của
Hội nhất là ở cơ sở nhiều người đã cao tuổi, trình độ chuyên môn hạn chế… Nhiều cơ sở còn yếu kém, hình thức chỉ như một nhà trẻ.

Để thực hiện được định hướng phát triển của Hội là tiếp tục vận động phát triển hội viên, tổ chức xây dựng chi hội vững mạnh, phấn đấu đến hết năm 2027 có 120 tổ chức chi hội thuộc Trung ương Hội với khoảng 1 vạn hội viên, tôi cho rằng chúng ta phải làm tốt một số việc sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em. Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, pháp luật, chương trình hành động của Chính phủ. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động để ngày càng nhiều người biết, ủng hộ các hoạt động của Hội. Công tác tuyên truyền phải được đổi mới tạp chí, trang web, biên tập một số tư liệu; tài liệu, sổ tay công tác Hội. Vận động chương trình thắp sáng niềm tin cho em, đưa trẻ khuyết tật đến trường…

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chữa tật, hỗ trợ phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật từ đó xã hội ghi nhận và tham gia đông đủ hơn vào công tác nhân đạo này.

Ba là, củng cố các cơ sở trực thuộc Hội hiện có hoạt động thực chất, thiết thực. Nhân rộng các mô hình cơ sở của Hội thực hiện tốt chính sách xã hội hóa chăm sóc, trợ giúp trẻ em khuyết tật, kết nối giữa gia đình - cơ sở - xã hội, giúp các em khuyết tật tiếp cận, thụ hưởng các chính sách của Nhà nước và sự giúp đỡ của xã hội, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bốn là, chú trọng làm tốt công tác phối hợp, kết nối nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chữa tật, hỗ trợ phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp cho trẻ em thanh thiếu niên khuyết tật đạt các mục tiêu trong kế hoạch đề ra.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động chào mừng kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tấm lòng yêu trẻ, đẩy mạnh xây dựng mô hình “Đơn vị an toàn với trẻ em khuyết tật”, “ Ngôi nhà hạnh phúc”…

Sáu là, phát triển cơ sở Hội đến các vùng trong cả nước, chú trọng đến các vùng Bắc miền Trung, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Đây là những nơi chưa có cơ sở của Hội, phấn đấu mỗi vùng có cơ sở là trung tâm của Hội theo mô hình xã hội hóa làm tốt bốn nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật.

Điều lệ Hội ta ra đời từ năm 2010, đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp, cần thiết phải sớm sửa đổi bổ sung, đặc biệt phải xây dựng Hội theo 3 hoặc 4 cấp như một số Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ hiện nay.

Bảy là, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện các chương trình trọng tâm của Hội, việc tổ chức các sự kiện thực hiện các chương trình. Kết hợp tăng cường vận động tài trợ, xây dựng nguồn tài chính thực hiện các nhiệm vụ của Hội, tăng nguồn lực cho các cơ sở thuộc Hội.

Tôi rất tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt từ nay Hội ta có Ban Lãnh đạo mới nhiệt tình, giàu kinh nghiệm gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Văn phòng và các ban chuyên môn được củng cố, Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra đời kế tục truyền thống vẻ vang của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, nhiều Trung tâm, Nhà Cứu trợ xin gia nhập Hội… chắc chắn rằng công tác phát triển Hội ngày càng thuận lợi, đáp ứng được sự mong mỏi của các cháu khuyết tật cũng như gia đình các cháu và nhân dân cả nước./.

[1] Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.

[2] Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
0