Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Quốc hội |
Nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”
Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, chiều 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều (giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai; có ý kiến băn khoăn thực tiễn hiện nay đã xảy ra tình trạng thỏa thuận mua bán bào thai trong bụng mẹ nhưng để nhằm nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi sinh thì trường hợp này có phải là mua bán người hay không?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống; theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người.
Như vậy, về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là con người. Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.
Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.
Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội |
Phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa dụ dỗ ra nước ngoài để sinh con, bán để lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác.
Theo nữ đại biểu, việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý khó khăn vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.
Do vậy, đại biểu cho rằng để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
"Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ" - đại biểu nêu.
Vị đại biểu cũng đề nghị bổ sung khái niệm "bào thai" để quá trình triển khai áp dụng trong thực tiễn được thuận lợi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phân tích rõ hơn về khái niệm mua bán người, các hành vi và mục đích tại khoản 1, khoản 2 của dự thảo luật. Theo ông, các quy định tại các điều khoản này chưa bao hàm hết các hành vi trên thực tế bởi có rất nhiều hành vi mua bán người khác, như dụ dỗ, lôi kéo, hành vi mua bán trẻ sơ sinh, hành vi môi giới, lợi dụng nhận con nuôi, tuyển mộ lính đánh thuê, chuyển giao khoa học...
Vì thế, vị đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần tiếp tục rà soát khái niệm này cho đầy đủ và thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao năm 2019, cho phù hợp với Điều 150 về mua bán người và Điều 151 tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét một số nội dung liên quan đến các biện pháp bảo vệ và bảo vệ bí mật thông tin trong phòng, chống mua bán người.
“Quan trọng là ở kỳ họp lần thứ 8 này, Quốc hội cũng sẽ xem xét Luật Dữ liệu, điều đó tôi nhận thấy rất thuận lợi để đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật có liên quan và có tác động qua lại lẫn nhau cũng như có mối liên hệ với Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) lần này” – đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.