Toàn cảnh hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Toàn cảnh hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, 4 cơ sở y tế công bị hỏng hệ thống xử lý nước thải y tế, phải vận hành thủ công. Do đó, nước thải ra môi trường không đảm bảo an toàn, gây tình trạng ô nhiễm.

Được xây dựng và hoạt động từ năm 2005, đến nay, nhiều thiết bị của hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã hư hỏng, xuống cấp.

Theo bà Phan Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hệ thống nước thải của bệnh viện có công suất nhỏ không đáp ứng quy mô 100 giường hiện nay của đơn vị.

Công nghệ xử lý lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý không đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Hệ thống máy bơm, bể sục khí, bể chứa qua thời gian vận hành không được duy tu, bảo dưỡng nên đã hư hỏng, xuống cấp.

Cụ thể, hỏng 1 máy thổi khí, tháp sinh học đã bị rò rỉ nước thải ra ngoài, bể chứa nước thải đã qua xử lý bị nứt, thấm nước ra bên ngoài.

Ngoài ra, hệ thống thu gom nước thải của bệnh viện đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Một lượng lớn nước thải bị thất thoát dọc hệ thống đường ống thu gom không qua hệ thống xử lý, thấm trực tiếp vào đất gây ô nhiễm nguồn nước.

Mặt khác, hệ thống đường ống thu gom chưa đấu nối hết vào các nguồn xả thải nên chưa thu gom hết nước thải phát sinh trong bệnh viện. Việc này dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa số liệu nước sử dụng và lượng nước thải đã qua xử lý.

Bà Phan Thị Thu Hoài cho biết trước tình trạng trên, bệnh viện đã kiến nghị thành phố sớm có chủ trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp lại hệ thống xử lý nước thải đảm bảo công suất 100m3/ngày.

Trong đó, bệnh viện đề nghị cải tạo nhiều hạng mục như nạo vét, hút bùn cặn, bùn dư và vệ sinh toàn bộ các bể hệ thống xử lý; cải tạo, xây dựng bể điều hòa, bể khử trùng, bể chứa bùn tại bể yếm khí hiện hữu.

Bệnh viện cũng đã kiến nghị lắp đặt hệ thống khử trùng mới gồm: bơm định lượng, bồn đựng hóa chất; thay mới tủ điện điều khiển hoạt động auto toàn hệ thống và đường dây điện với thiết bị của hệ thống; làm mới đường ống đấu nối từ các bể tự hoại vào hố ga ngoài nhà, làm mới đường ống thu gom nước thải từ các hố ga về bể xử lý; xây mới các hố ga thu nước...

Tương tự Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cũng rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp.

Toàn cảnh hệ thống xử lý nước thải Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Toàn cảnh hệ thống xử lý nước thải Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ông Phạm Quang Phú, Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị đã hỏng nhiều năm qua. Để xử lý nước thải tạm thời, trung tâm tiến hành đổ Cloramin B xuống hố thải trung bình mỗi tuần một lần.

Ngoài hai cơ sở trên, hệ thống xử lý nước thải Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cũng bị hư hỏng.

Bác sỹ Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đã dừng hoạt động. Do ống dẫn nước thải bị hư hỏng, không thu gom được nước, nước thải tự rút xuống đất và không qua hệ thống xử lý.

Dự kiến trong tháng 12/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt Dự án cải tạo Bệnh viện Tâm thần (trong đó có hạng mục hệ thống nước thải).

Còn tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà, một số thiết bị của hệ thống xử lý nước thải đã hư hỏng và phải vận hành thủ công nên có chỉ số nước thải khi thải ra môi trường vượt quá ngưỡng an toàn.

Trong nước thải y tế có nhiều chất gây bệnh và hóa chất. Việc vận hành xử lý thủ công nước thải y tế sẽ không đảm bảo độ chính xác, gây ra tình trạng một số chỉ số vượt quá ngưỡng khi thải ra môi trường.

Đặc biệt, những chất dịch, máu của bệnh nhân phải thu gom riêng, không được thải chung vào nước sinh hoạt của cơ sở y tế.

Trong buổi làm việc của Bộ Y tế với Ủy ban Nhân dân thành Đà Nẵng ngày 15/10/2024, bà Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có đề án trình Ủy ban Nhân dân thành phố về thực trạng này để sớm đầu tư, nâng cấp đảm bảo việc xả thải ra môi trường an toàn. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng hỗ trợ Sở Y tế thực hiện đúng quy định.

Ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết hệ thống xử lý nước thải của các Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, Bệnh viện Tâm thần đã hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động.

Các đơn vị này đang thực hiện bảo trì, sửa chữa nhỏ, máy móc nhỏ để đảm bảo vận hành hệ thống xử lý nước thải, bao gồm xử lý thủ công, pha loãng cloramin B và khử khuẩn bằng phương pháp nhỏ giọt liên tục; kết quả quan trắc nước thải định kỳ của các đơn vị nhìn chung đạt tiêu chuẩn về Cột B QCVN 28:2010/BTNMT; tuy nhiên một số chỉ số không đạt như Amoni, TSS...

Riêng với hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn hoạt động, tuy nhiên, ông Tùng cho biết hệ thống này đã cũ, có dấu hiệu xuống cấp, máy bơm hư hỏng nhiều lần.

Nêu ra nguyên nhân về việc hư hỏng này, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho rằng, do hệ thống vận hành trong thời gian dài nên dẫn đến hư hỏng. Kinh phí chi cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế còn thiếu, trong khi nhu cầu đầu tư để xây dựng, cải tạo các hệ thống xử lý chất thải y tế là rất lớn.

Ngoài ra, kinh phí chi cho vận hành thường xuyên và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải y tế của nhiều cơ sở y tế vẫn còn thiếu; cơ chế và định mức chi cho xử lý chất thải tại các cơ sở y tế chưa được đưa vào quy định trong ngân sách chi thường xuyên của đơn vị...

Đưa ra giải pháp, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, hiện Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có Tờ trình Sở Y tế trình Ủy ban Nhân dân thành phố về đầu tư để khắc phục hệ thống xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp trong khi chờ quy hoạch tổng thể.

Bệnh viện Tâm thần có chủ trương cho đầu tư, sửa chữa; còn Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn đang trong quá trình chờ được đầu tư, xây dựng.

Cùng đó, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã có phương án xây dựng Trung tâm Y tế quận Sơn Trà giai đoạn 2, hệ thống xử lý nước thải của cả công trình giai đoạn 1, giai đoạn 2 được tích hợp vào trong lần xây dựng giai đoạn 2 lần này.

Thời gian tới, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường y tế; chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót tại từng khoa, phòng, bộ phận, cá nhân, tổ chức, quy trình, các điều kiện dẫn đến chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp, quản lý chất thải y tế…/.

0