Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy. Ảnh minh hoạ.

Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy. Ảnh minh hoạ.

Trong những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường nước ta đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sản phẩm thuốc lá lai giữa hai sản phẩm này.

"Mặc dù các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này đã có sự gia tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là ở học sinh phổ thông trung học tại khu vực thành thị" - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.

Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo tất cả các sản phẩm thuốc lá mới đều độc hại, có chứa nhiều độc tố khác nhau có thể gây ung thư, bệnh tim và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do vậy, sự xuất hiện thêm các sản phẩm mới này sẽ làm gia tăng số người hút thuốc, tăng nguy cơ sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện khác, tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.

Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.

Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.

Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính … đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 84% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.

Phòng chống bệnh không lây nhiễm đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, “Kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm (BKLN). Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát”.

Bộ Y tế tổ chức hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua kết quả nghiên cứu nói trên đến các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương trên cả nước.

Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí, phóng viên tuyên truyền sâu rộng tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên góp phần nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sự cần thiết ngăn chặn các sản phẩm này./.

0