Một loại trà giảm cân bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi.

Một loại trà giảm cân bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi.

Điển hình, Cục An toàn thực phẩm mới nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Đây là viên uống giảm cân nhanh giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc có số lô sản xuất: 0001; ngày sản xuất: 20-1-2023; hạn sử dụng: 19-1-2026; số đăng ký sản phẩm là 11127/2020, hộp 3 vỉ x 10 viên do Công ty cổ phần Bigfa (Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bảo An Luxury (thôn Cầu Giát, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo Cục An toàn thực phẩm, chất cấm phát hiện trong sản phẩm này là Sibutramine với hàm lượng 6,67 mg/g (3,04 mg/g) và Phenolphtalein là 6,89 mg/g (3,13 mg/viên).

Trước đó, bệnh nhân nữ P.T.H (26 tuổi ở Hà Nội) bị mất thị lực, tổn thương não do ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm Detox Táo. Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho sản phẩm này. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp y quốc gia, sản phẩm này có chứa Sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng giảm cân do chứa chất Sibutramine. Đặc biệt, chất cấm này còn được đưa vào cà phê giảm cân và quảng cáo tràn lan trên mạng.

Sibutramine có khả năng giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, nhưng là chất gây nguy cơ tổn thương não, đột quỵ… nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010. Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất cấm này. Cục Quản lý dược cũng rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm này vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nhiều người sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cấp tốc đã gặp họa khi có dấu hiệu suy thận, ngộ độc, đau tim, đột quỵ, tử vong...

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, thực phẩm chức năng giảm cân nói riêng và thực phẩm chức năng nói chung, nếu được quảng cáo “thần thánh hóa” thì càng hết sức cẩn trọng. Bởi những thực phẩm trôi nổi này có thể trộn nhiều chất không rõ thành phần, thậm chí cả chất cấm không được sử dụng trên người. Do đó, người dân cần phải tỉnh táo khi mua và sử dụng.

Còn theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành; tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi mua những sản phẩm giảm cân bán trực tuyến hoặc xách tay... vì không thể chắc chắn những sản phẩm này được sản xuất ở đâu và chất lượng như thế nào.

0