ĐBQH Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thông tin và truyền thông (TT&TT), ĐBQH Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao những biện pháp các cơ quan chức năng cùng nhà mạng thực hiện để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau khi tắt sóng 2G. Đại biểu đề nghị nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi thực hiện tắt sóng 2G có 2 vấn đề:
Thứ nhất là bà con đang dùng máy 2G ai sẽ đưa cho bà con máy có 3G, 4G, 5G. Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT thì nhà mạng phải bù, phải đưa máy công nghệ mới cho bà con sử dụng.
Thứ hai là hiện nay công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với công nghệ 2G, khi tắt sóng vùng phủ như cũ. Chúng ta có chính sách chỗ nào lõm sóng thì phủ thêm.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk chất vấn, theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, Internet tăng trưởng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp ở nước ta đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số. Tuy nhiên, việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực, các vùng miền, trong đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lại càng khó khăn hơn.
Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu Thu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết trong thời gian tới, Bộ có chính sách gì để hỗ trợ người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng, miền trong cả nước.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây việc phủ sóng viễn thông và hiện nay là phủ sóng Internet có độ vênh giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa; với hộ gia đình nghèo, cận nghèo hay các hộ đặc biệt khó khăn. Nhưng đến nay giải pháp đưa ra với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo là "lõm đâu phủ đấy" để đảm bảo mọi người đều có sóng.
"Chúng ta có đủ tiền, thậm chí thừa một tí, để có thể phủ sóng, giờ chỉ cần cơ chế thông thoáng thôi", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, năm nay sẽ ban hành nghị định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Mục tiêu thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phấn đấu để bà con thuộc hộ nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh sử dụng miễn phí. Theo Bộ trưởng, hiện nay Quỹ Viễn thông công ích có một khoản ngân sách với khoảng 400.000 máy điện thoại.
"Chúng tôi sẽ xin phép Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quỹ này tăng lên để những gia đình nghèo, cận nghèo sẽ đều có điện thoại thông minh, với khoảng 1-1,2 triệu máy", Bộ trưởng khẳng định chương trình này có thể "phủ trắng" để người nghèo đều có điện thoại thông minh sử dụng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phấn đấu để bà con thuộc hộ nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh và sử dụng miễn phí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, khi triển khai chính sách trên thì bà con được dùng miễn phí - một chính sách mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam có và thuộc hàng "nhất thế giới". Các quốc gia khác chỉ phủ sóng xong rồi để đó, ai có tiền thì dùng.
"Tôi đã đi nhiều nước, tham khảo kinh nghiệm nhiều quốc gia thì riêng về phủ sóng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho bà con nghèo, cận nghèo dùng các dịch vụ viễn thông Internet thì chỉ có Việt Nam", Bộ trưởng nói.