Ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc tiểu đường
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khôi Nguyên (Phòng khám Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) cho biết, tiểu đường được ví như “kẻ giết người” thầm lặng, bởi bệnh thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài, khiến người bệnh chủ quan, dẫn đến nguy cơ biến chứng trầm trọng
"Nếu trước đây tiểu đường loại 2 chỉ thường gặp ở độ tuổi trung niên khoảng từ 50 tuổi trở lên thì ngày nay bệnh nhân tiểu đường có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân đến khám tiểu đường chỉ khoảng 35-36 tuổi, thậm chí có những bệnh nhân 20-22 tuổi đã đến khám vì có triệu chứng tiểu đường", bác sĩ Nguyên chia sẻ tại tọa đàm “Đái tháo đường và xu hướng trẻ hóa” do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức sáng 14.11.
Theo bác sĩ Nguyên, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế ghi nhận trong quá trình thăm khám, số bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc tiểu đường loại 2 ngày càng gia tăng. Trong lần khám gần nhất ghi nhận có 20 bệnh nhân dưới 40 tuổi đến khám vì bệnh tiểu đường. Theo thống kê tại Mỹ, trong 10 năm qua, số bệnh nhân dưới 20 tuổi mắc tiểu đường tăng gấp đôi. Các nghiên cứu cộng gộp trên thế giới cho thấy, tỷ lệ độ tuổi 15 - 39 tuổi mắc tiểu đường tăng lên 60% trong vòng 20 năm. Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm gần đây, số ca mắc tiểu đường tăng gấp đôi - lên khoảng 7 triệu bệnh nhân.
Béo phì là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở người trẻ. Ảnh: Reuters.
Những nguyên nhân khiến đái tháo đường ngày càng trẻ hóa
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Văn Chín (Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) cho biết, có một số nguyên nhân khiến tiểu đường ngày càng trẻ hoá. Đầu tiên phải kể đến là béo phì. Thứ hai là lối sống thụ động, ít vận động, ăn uống không lành mạnh, thức khuya... Thứ ba là yếu tố tiền sử gia đình. Trong đó 2 nguyên nhân đầu là có thể thay đổi, khắc phục được, tuy nhiên, nhiều người trẻ có tâm lý chủ quan nên không chủ động phòng ngừa bệnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Đặng Khôi Nguyên cho biết, người trẻ thường cho rằng hệ miễn dịch, sức trẻ của mình là hàng rào giúp bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc các bệnh mạn tính trong đó có tiểu đường. Tuy nhiên cuộc sống, công việc ngày nay khiến thói quen sinh hoạt của nhiều người thay đổi dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh. Với sự tăng nhanh thực phẩm chế biến sẵn khiến chúng ta dung nạp lượng lớn lượng tinh bột không cần thiết làm tăng béo phì, tăng nguy cơ mắc tiểu đường
"Tuy nhiên, thực tế không thể vì một bữa ăn, một hai tuần không tập thể dục mà bạn bị mắc tiểu đường. Mà đó là thói quen sinh hoạt ăn uống không lành mạnh từ năm này qua tháng nọ, làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa dẫn đến tăng nguy cơ mắc tiểu đường", bác sĩ Nguyên cho hay.
Đái tháo đường ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Pexels.
Biến chứng tiểu đường ở người trẻ
Bác sĩ Chín cho biết, so với người lớn tuổi, ở người trẻ khi mắc tiểu đường thì thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng tăng nguy cơ biến chứng. Đồng thời người trẻ thường chủ quan ít tìm hiểu về bệnh và ít tuân thủ điều trị nên càng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.
Tương tự, bác sĩ Nguyên cho biết, theo các nghiên cứu cho thấy, người trẻ mắc tiểu đường có biến chứng ngang bằng người trung, cao tuổi, thậm chí còn cao hơn. Họ có thể gặp các biến chứng ở mắt, thần kinh, tim mạch, thận, loét chi thể... Thời gian phơi nhiễm càng dài biến chứng càng tăng. Ngoài ra, áp lực công việc và thời gian khiến nhiều người bỏ điều trị, chọn uống các loại thuốc trên thị trường làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Thực tế ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ phải chạy thận vì tiểu đường biến chứng.
"Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh để tiêu thụ, dành 30 phút mỗi ngày để thể thao, thăm khám sức khỏe định kỳ... là những thói quen nhỏ cần thay đổi từ ngay hôm nay để giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính trong đó có tiểu đường", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Lê Cầm